Có hai con nhỏ và là trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu tại quận 4 (TP.HCM), công việc của chị X. thường xuyên phải đi công tác dài ngày khiến cuộc sống của chị vô cùng bận rộn. Nửa năm trở lại đây, cuộc sống của chị bị xáo trộn bởi những cơn đau lưng vô cớ.
"Tôi rất ít cáu gắt với các con nhưng thời gian vừa qua thực sự là ác mộng. Cơn đau dai dẳng, lan xuống hông, làm bất cứ việc gì cũng đau, thậm chí ngồi ăn cơm hay nằm ngủ cũng đau, mỏi. Cũng vì những cơn đau này mà tôi xấu tính, hay cáu gắt với chồng con, chuyện phòng the cũng không mặn mà, nấu nướng lại càng không có hứng thú. Đây cũng là nguyên cớ dẫn đến những cơn cãi vã của hai vợ chồng, tình cảm vì vậy cũng rạn nứt", chị X. kể.
Một trường hợp bị đau lưng mạn tính được bác sĩ tư vấn điều trị |
Không thể chấp nhận chất lượng cuộc sống suy giảm chỉ vì đau lưng, chị X. tìm đủ cách khắc phục. Được sự mách nước của một số đồng nghiệp, chị tìm đến các lớp học yoga, thiền, kết hợp với uống thực phẩm chức năng giúp cải thiện xương khớp với hy vọng tình trạng đau lưng sẽ giảm. Nhưng gần 4 tháng trôi qua, những cơn đau lưng vẫn không thuyên giảm, chị đành tìm đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
Tại 1 bệnh viện ở quận 5, chị X. được chỉ định chỉ định thực hiện xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm, đo độ loãng xương, đo điện cơ, chụp cắt lớp (CT Scan), cộng hưởng từ (MRI). "Bác sĩ kết luận tôi bị đau lưng mạn tính và chỉ định điều trị nội khoa kết hợp với tập vật lý trị liệu. Sau 8 tuần, phương pháp điều trị không đáp ứng tốt, tôi được tư vấn tiêm phong bế ngoài màng cứng, giúp điều trị đau thần kinh tọa cho người bệnh. Hiện nay, tình trạng đau được cải thiện khoảng 60-70%", chị X. cho biết.
Chia sẻ về bệnh đau lưng mạn tính đang phổ biến ở người trẻ, đặc biệt là nhân viên văn phòng, TS.BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, người bệnh đau lưng mạn tính có các triệu chứng đau lưng kéo dài trên 3 tháng như đau cơ, đau lan xuống chân, hạn chế tính linh hoạt, ảnh hưởng hoạt động hằng ngày, không có khả năng đứng thẳng. Tuy nhiên, khi có các biểu hiện bệnh như đau lưng không giảm hoặc cường độ cao, đặc biệt là vào ban đêm, khi nằm xuống hoặc khi đi lại; đau lưng lan xuống một hoặc cả hai chân, đặc biệt là nếu cơn đau kéo xuống dưới đầu gối; yếu, tê hoặc ngứa ran ở một chân hoặc cả hai; rối loạn tiêu tiểu; đau lưng kèm với sốt, sụt cân không giải thích được thì cần tìm đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Cũng theo BS Minh Anh, hầu hết bệnh đau lưng trở nên tốt hơn với một vài tuần điều trị tại nhà. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh dùng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ kết hợp vật lý trị liệu và tập thể dục. Trong trường hợp các biện pháp khác không làm giảm đau và nếu cơn đau tỏa xuống chân, các bác sĩ có thể tiêm thuốc phong bế thần kinh hai chân giúp giảm đau.
Để hạn chế và phòng tránh đau lưng mạn tính, ThS. Lê Viết Thắng, chuyên khoa Ngoại thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo, người dân cần vận động thích hợp như tập thể dục, đi bộ, bơi lội, tư thế đứng và ngồi đúng, không hút thuốc lá, giảm cân. Người bệnh, đặc biệt là lớn tuổi và nữ giới, cần hạn chế các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đau lưng như không hút thuốc lá, béo phì, tránh các công việc thể chất vất vả, lo âu, trầm cảm.
Để hạn chế và phòng tránh đau lưng mạn tính, ThS. Lê Viết Thắng, chuyên khoa Ngoại thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo, người dân cần vận động thích hợp như tập thể dục, đi bộ, bơi lội, tư thế đứng và ngồi đúng, không hút thuốc lá, giảm cân. Người bệnh, đặc biệt là lớn tuổi và nữ giới, cần hạn chế các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đau lưng như không hút thuốc lá, béo phì, tránh các công việc thể chất vất vả, lo âu, trầm cảm.