Vợ chồng 'lệch ca'

10/11/2015 - 16:00
Vợ chồng sống chung một nhà nhưng mỗi ngày chỉ lướt qua nhau, không kịp chuyện trò chia sẻ đang là thực tại của không ít cặp vợ chồng trẻ.
  1. Đức, chồng của Tú Anh, làm công nhân trong một phân xưởng, khối lượng công việc nhiều, các nhân viên phải chia ca ngày và ca đêm, mỗi ca làm từ 10 đến 12 tiếng. Khi hết tuần làm ca ngày thì được đổi sang tuần làm đêm, có những lúc việc nhiều, thiếu người, phải làm tăng 2 tuần ca đêm liên tục. Công việc nhiều áp lực và mệt mỏi, thấy chồng gầy hơn, Tú Anh xót ruột, thương anh lắm, song những tuần chồng làm đêm, cô cũng bị “căng như dây đàn”.

 Lịch làm việc và sinh hoạt trái ngược khiến vợ chồng họ không tìm thấy được thời gian bên nhau


Mang tiếng sống chung nhà nhưng do tính chất công việc nên có những khoảng thời gian, gần nửa tháng trời, 2 vợ chồng chẳng gặp nhau được quá nửa tiếng. Nhiều lúc ức chế, mỗi lần gặp chồng, cô lại xả hết căng thẳng lên anh, khiến vợ chồng đôi khi cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Chồng làm đêm, vợ làm ngày, tuần ấy đồng nghĩa với việc Tú Anh phải “sắm” cả vai bố và mẹ. Mỗi buổi sáng đánh thức cu Tít dậy đi học là một cực hình. 2 mẹ con “vật lộn” đưa nhau được tới trường thì cũng đến giờ Tú Anh đi làm.
2. Chồng cô làm ca đêm, nếu ngày không được ngủ đủ giấc, anh sẽ bị ốm. Sáng, sau khi giao ban xong, cũng phải hơn 9 giờ, anh mới uể oải về tới nhà. Ăn cơm, rồi nằm ngủ. Thời gian ngủ của anh thường là tới 5 - 6 giờ chiều nên Tú Anh phải cố gắng hoàn thành công việc sớm, 5 giờ chiều về đón con. Nhiều lúc, về tới nhà, cửa khóa và chồng cô đã ăn 2 bát cơm nguội rồi đi làm, để lại một “bãi chiến trường” bát đĩa, chăn màn… Hôm nào công việc ở cơ quan không tốt, cô chỉ muốn phát khùng lên.
Buổi tối, cô giục cu Tít đi tắm rửa, để cô dọn qua nhà, chuẩn bị cơm cho 2 mẹ con. Nhiều lúc cu Tít mải xem tivi, cô chỉ muốn cho con một trận. Ăn xong, cô học bài cùng con, rồi chồng gọi điện lúc 9h tối để hỏi thăm. Lắm lúc Tú Anh mệt, chán, chẳng muốn nghe điện thoại của chồng, hoặc nếu nghe lại nổi giận và cáu.
Đấy là ngày bình thường, cuối tuần nào chồng làm ca đêm mà ở quê có công việc, trách nhiệm đối nội thuộc về Tú Anh. Vì chồng vừa làm gần 12 tiếng buổi tối, cô không thể yên tâm để anh chạy xe thêm 50 cây số về quê. Nếu cu Tít khỏe thì 2 mẹ con cùng về, nếu Tít mệt, cô đợi chồng đi làm về rồi để 2 bố con trông nhau.
Suốt tuần chồng làm đêm, Tú Anh cô đơn giữa một đống công việc. Nhớ chồng, buổi tối, cô thèm một cái ôm thật chặt trước khi đi ngủ, để an ủi cho những cố gắng của cô. Bởi 5 phút chồng hỏi thăm điện thoại không thể đủ cho những tình cảm cô khát khao.

 Sống trong cảnh "lệch pha"  các thành viên càng khao khát những phút giây đoàn tụ của gia đình

3. Ngày mai chồng được nghỉ 1 ngày để chuyển ca, suốt cả tuần, Tú Anh rất mong ngày này. Cô nói với cu Tít rằng bố hứa Tít học bài xong, chiều sẽ đưa cả nhà đi công viên. Cu Tít sướng quá hét ầm lên và chạy ngay vào bàn học. Cô nhìn con vừa buồn cười, vừa thương. Chồng về, trông mệt mỏi quá, hốc mắt sâu, xung quanh là những quầng thâm nhưng vẫn cố nở nụ cười. Khi anh ngủ được một giấc sâu, cô nằm cạnh ôm lấy anh. Chồng cô biết những ngày này vợ căng thẳng, nắm tay cô: “Anh xin lỗi, anh sẽ thu xếp thời gian để phụ thêm em, em vất vả quá!”.
Thời gian được sắp xếp lại, anh cố về sớm hơn, ăn uống và ngủ đến 4 giờ chiều. Rồi dậy đi đón cu Tít và thu dọn nhà cửa. Tú Anh sẽ về thẳng nhà luôn và lúc ấy, cả nhà sẽ được ở bên nhau một lúc, hoặc ăn tối sớm cùng nhau. Điều quan trọng để tránh xung đột, ấy là khi cả vợ và chồng đều thông cảm, hiểu và giúp đỡ nhau. Lúc đó, dù khó khăn như thế nào, 2 vợ chồng sẽ cùng thích nghi.

Khắc phục tình trạng “vênh” thời gian

- Cần hiểu và thông cảm cho thời gian biểu, công việc của nhau.

- Thu xếp công việc hợp lý để cả vợ và chồng cùng giúp đỡ nhau việc nhà.

- Tạo hoạt động chung để  bố mẹ và con cái có thời gian bên nhau sau những lúc làm việc “lệch pha” không thể thu xếp được, để tạo tình cảm gắn kết gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm