pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chồng trẻ biếu Tết nội ngoại như thế nào?
Kỳ nghỉ Tết đã chính thức bắt đầu, nhiều gia đình trẻ đã về quê để đón Tết bên ông bà và bố mẹ. Tuy nhiên, câu chuyện chi bao nhiêu để biếu bố mẹ sau 1 năm làm việc vất vả vẫn là chủ đề không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Chi mạnh tay biếu gia đình hai bên
"Từ ngày lấy vợ, mình luôn quan niệm, nếu được thì biếu bố mẹ vợ nhiều hơn một chút, không thì cả hai nhà phải bằng nhau. Năm nay, mình biếu bố mẹ vợ 15 triệu tiêu Tết, còn bố mẹ mình thì 10 triệu. Phần vì gia đình mình kinh tế vững hơn nhà vợ, phần cũng là để bày tỏ lòng biết ơn vì bố mẹ đã gả con gái cho mình. Tiếc gì vài triệu tiêu Tết để khiến vợ vui lòng" - Đỗ Quân (Vĩnh Phúc) cho biết. Theo anh, chuyện biếu Tết nội ngoại là một trong những khoản tiền, nếu tiêu đúng thì được lòng đôi bên, còn nếu tiêu sai lầm thì dẫn đến nhiều hệ quả chẳng vui vẻ gì.
Được biết năm nay, tổng cả tiền lương và thưởng của 2 vợ chồng khoảng hơn 60 triệu. Ngoài mua sắm những thứ cần cho Tết, vợ chồng Đỗ Quân chi 25 triệu biếu Tết: 10 triệu cho nhà nội và 15 triệu cho nhà ngoại, thêm 5 triệu để lì xì cho các cháu 2 bên. Tổng lại thì khoản tiền biếu Tết là 30 triệu đồng. Đây là khoản chi lớn nhất trong Tết, nhưng cũng cần biếu cho khéo để đỡ mất lòng hai bên.
Nhiều người bảo, phải biếu bằng nhau để thể hiện sự tôn trọng, nếu biếu bên nào hơn thì lại đụng chạm vào kinh tế. Nhưng cá nhân Đỗ Quân không nghĩ vậy. Anh chàng cũng thảo luận qua chuyện này với vợ, và hai vợ chồng mình thống nhất: 10 triệu biếu Tết hai bên, còn Đỗ Quân đưa vợ thêm 5 triệu, để khi nào vợ về nhà thì biếu riêng nhà ngoại. “Và vợ mình vui vẻ đồng ý với cách sắp xếp này. Việc biếu Tết không phải là nghĩa vụ, mà là sự đáp lễ cho công ơn nuôi dưỡng mà ba mẹ ban cho. Nên khoản chi này năm nào vợ chồng cũng hoan hỷ biếu, chẳng tính toán thiệt hơn điều gì".
Đỗ Quân cho biết, việc biếu Tết thể hiện sự tôn trọng với hai bên gia đình nội ngoại. Với nhiều người, họ quan niệm càng nhiều tiền thì càng tốt. Còn riêng với Đỗ Quân, thể hiện thái độ về chuyện biếu Tết thế nào mới là điều quan trọng nhất: "Không phải năm nào vợ chồng mình cũng làm ăn được, để mà biếu Tết hai bên cả chục triệu. Có những năm chỉ biếu ông bà được cây đào, cây quất, và một ít bánh kẹo. Năm nào khó khăn hơn thì có khi Tết chỉ mừng tuổi ông bà một chút”.
Còn đối với Đào Mỹ Anh từ lúc lập gia đình, năm nào gia đình cô cũng về quê chồng ở Bình Định ăn Tết. ''Vì ba mẹ ruột mình mất lâu rồi, nhà không còn ai nên thường sẽ ăn Tết ở quê chồng. Theo thói quen, mình sẽ tặng mẹ chồng 2 chỉ vàng, không đưa tiền. Vàng là tài sản tích lũy tốt, có khả năng tăng giá cũng như chống lại tình trạng bão giá. Bên cạnh đó, mẹ làm kinh doanh nên thông thường có tiền sẽ xoay vốn chứ không tích luỹ".
Bên cạnh đó, cô quan niệm sẽ chi mạnh tay hơn cho những ngày Tết. Bởi vì cả năm làm việc vất vả nên Tết là dịp để chi nhiều hơn cho bản thân, gia đình. Đó cũng là thú vui, cách giảm áp lực hiệu quả. Mỹ Anh cũng cho rằng 1 năm mới về quê 1-2 lần, cô cũng chi tiêu ''xông xênh'' cho người thân họ hàng ở quê, mua chút quà biếu mọi người để có cảm giác gia đình ấm áp. ''Ăn uống thoải mái hơn ngày thường chút, nhìn thấy người thân cùng nhau có bữa cơm đầm ấm, mình cũng cảm thấy vui hơn".
Còn gia đình Thanh Bình (26 tuổi) ở Hà Nội dự tính sẽ chi khoảng 25 triệu đồng cho Tết năm nay. Trong đó, khoản chi nhiều nhất là biếu bố mẹ 2 bên 15 triệu đồng, quần áo mới cho cả gia đình là 2 triệu, bánh kẹo đồ ăn Tết khoảng 2-3 triệu và lì xì Tết tầm 5-6 triệu. Thanh Bình chia sẻ rằng khoản chi tiêu trong Tết tăng 50% so với các tháng thông thường. So với những năm trước, gia đình cô đã chi tiêu nhiều hơn trong dịp này. Song chỉ có khoản mục tiền biếu bố mẹ là tăng, Thanh Bình quyết định giảm bớt mua quần áo mới, và bánh kẹo.
Tết chi tiêu như thế nào cho phù hợp?
Ngoài khoản mục biếu ông bà, trong Tết các gia đình còn rất nhiều khoản khác dễ dàng bị bội chi. Rút kinh nghiệm những sai lầm từ các Tết trước, Mỹ Anh nhấn mạnh rằng cô sẽ giảm bớt các khoản mua sắm đồ gia dụng không cần thiết, hạn chế mua quá nhiều quần áo, giày dép. Bởi vì theo kinh nghiệm cá nhân, mua quá nhiều nên thường sẽ không dùng hết, bỏ quên lâu trong tủ và chẳng bao giờ động đến, như vậy rất lãng phí.
Với những trang phục nhu cầu thiết yếu trong dịp năm mới, Mỹ Anh thường sẽ không mua sát Tết vì giá cao mà lại không nhiều mẫu đẹp. Cô săn sale để tiết kiệm một khoản tiền mà vẫn sắm được đồ đẹp.
Bên cạnh đó, năm nay cô sẽ không tích trữ quá nhiều đồ ăn, thức uống, chỉ sắm vừa đủ. ''Nhà chồng mình khá đơn giản, không cúng, bày biện đồ ăn Tết linh đình nhiều. Do vậy, mình chỉ sắm ít bánh kẹo, đồ ăn cơ bản cho gia đình. Hơn thế nữa, trong những ngày Tết tất cả các thành viên thường sẽ đi chúc Tết và ăn ở nhà họ hàng bạn bè. Nếu trữ quá nhiều đồ ăn, không dùng đến hết, bỏ đi mình cảm thấy phí tiền lắm. Mình nghĩ mọi người nên mua sắm vừa đủ".
Còn đối với Thanh Bình, có nhiều sản phẩm Tết nào cũng cần nhưng dễ bị hết hàng nên mua sớm, vì như vậy cũng sẽ tiết kiệm hơn, để càng gần Tết càng ít hàng, giá sẽ cao hơn. Còn lại, tuỳ thuộc vào tình huống của mỗi gia đình, chẳng hạn nếu hay được tặng biếu đồ vào Tết, có thể hạn chế sắm sửa những khoản mục đó để không bị lãng phí.
"Mình nghĩ các gia đình hãy lên kế hoạch cụ thể từng khoản dự định chi cho Tết một cách chi tiết nhất, ưu tiên các khoản cần thiết như tiền để lì xì, biếu bố mẹ. Tết không phải dịp duy nhất để sắm sửa. Do vậy, nếu Tết chưa kịp sắm, sau đó mình cũng có thể mua dần", lời khuyên của Thanh Bình trong câu chuyện chi tiêu ngày Tết.