pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chồng U40 cầm 10 tỷ đồng nghỉ hưu, cuộc sống "chỉ ăn, uống và vui chơi", liệu có đủ?
Ảnh minh họa
Một cặp vợ chồng ở Trung Quốc ngoài 40 tuổi đã nghỉ hưu để tham gia trào lưu “nằm yên” hay còn gọi là “tang ping” tại đất nước tỷ dân. Những người tham gia “tang ping” sẽ từ bỏ tham vọng nghề nghiệp và làm những việc tối thiểu để kiếm sống qua ngày.
Người phụ nữ 33 tuổi họ Chen và chồng sống tại thành phố Thượng Hải. Trước đây cô làm công việc thiết kế trò chơi còn chồng làm việc trong lĩnh vực bất động sản. Cả hai đều mất việc vào năm ngoái và sau vài tháng tìm được việc mới, họ đã quyết định nghỉ hưu sớm và sống nhờ khoản tiết kiệm 3 triệu NDT (~10 tỷ đồng), theo The Paper.
Cặp đôi này cũng không có kế hoạch sinh con và chỉ nuôi 2 con mèo. Họ cũng không lo lắng về cha mẹ của mình vì cha mẹ đều có lương hưu và có bảo hiểm y tế. Chen và chồng sở hữu một căn hộ trong thành phố, có ô tô và không nợ nần gì. Họ nhận được khoảng 10.000 nhân dân tệ (~34 triệu đồng) hàng tháng từ tiền lãi tiết kiệm ngân hàng.
Ảnh minh hoạ
Cặp đôi đã thích nghi với lối sống “mặc kệ đời” bằng cách ăn cơm nhà, không đi nhà hàng, đồng thời cắt giảm mọi khoản chi tiêu không cần tiết. Mỗi tháng vợ chồng Chen chỉ tiêu hết 6.000 NDT và họ ước tính số tiền tiết kiệm trong ngân hàng đủ để sống trong 30 năm tới.
“Tôi không phải là người có thể chịu được trách nhiệm lớn lao nên không muốn có con. Tôi chỉ muốn ăn, uống, vui chơi và tận hưởng cuộc sống”, Chen nói.
Theo cô Chen, sau khi nghỉ hưu sớm, đầu óc của cô không còn căng thẳng như trước mà hoàn toàn thư giãn. “Tôi không bị đánh thức bởi đồng hồ báo thức, không lo lắng về bất kỳ tin nhắn nào từ khách hàng hay sếp của mình”, Chen nói, “Tôi ngủ cho đến khi tự mình thức dậy. Trong ngày tôi có thể sắp xếp thời gian một cách tự do hơn. Cơ thể và tâm hồn như thế được giải thoát vậy”.
Cô Chen cũng cho biết mình và chồng sống một cuộc sống không còn lo lắng. “Chúng tôi tự do và cảm thấy thoải mái mỗi ngày. Sức khỏe tâm lý hay thể chất đều được cải thiện,” cô nói.
Cha mẹ của cặp đôi ủng hộ quyết định không sinh con của họ. “Cha mẹ nói rằng họ đã quá già để giúp chúng tôi chăm sóc một đứa trẻ. Hơn nữa, họ luôn ủng hộ con đường chúng tôi lựa chọn,” Chen nói.
Hai vợ chồng Chen cũng nhận được những câu hỏi về cuộc sống tương lai khi về già của họ. “Câu trả lời của tôi là chúng tôi sẽ xem xét điều đó khi 70 tuổi. Ở thời điểm hiện tại hãy hạnh phúc trước đã. Nếu tôi phải sống một cuộc sống khó khăn thì đó là lựa chọn của tôi”, Chen nói.
Ảnh minh hoạ
Câu chuyện của cặp đôi Thượng Hải làm nổ ra tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự ghen tỵ với vợ chồng Chen vì không đủ tiền để sống giống họ. Một cư dân mạng khác cho biết mình đã có con nên càng hiểu được vì sao cặp đôi lựa chọn “tang ping” bởi đây là lựa chọn cuộc sống dễ dàng hơn hẳn.
“Tôi hy vọng những người đã kiếm đủ tiền như cặp vợ chồng này sẽ nghỉ hưu sớm giống họ, để lại cơ hội kiếm tiền cho số lượng lớn những người trẻ đầy tham vọng”, một người để lại bình luận.
Tuy vậy, một số người lại cảm thấy cặp đôi ngây thơ và tự tin về tương lai của họ. “Họ rất dũng cảm khi đưa ra quyết định này. Ba triệu NDT không phải là số tiền lớn. Nó không đủ để xử lý bất kỳ rủi ro lớn nào”, tài khoản khác nêu quan điểm.
Một cư dân mạng còn gay gắt bày tỏ rằng hai vợ chồng Chen thiếu hiểu biết chung về kinh tế khi tin rằng số tiền đó đủ để họ sống 30 năm. “Họ đã bỏ qua yếu tố lạm phát và kế hoạch nghỉ hưu sớm này chỉ suôn sẻ với một điều kiện quan trọng là họ không mắc bệnh hiểm nghèo”, người này nói.
“Cảm giác an toàn không đến từ số tiền bạn có, mà từ số tiền bạn sẽ kiếm được trong tương lai từ một công việc ổn định, được trả lương cao. Chỉ tiêu tiền mà không kiếm tiền thì cũng sẽ đến một ngày bạn ‘rỗng túi’”, một bình luận để lại trên mạng xã hội Weibo.
Phong trào “tang ping” đã trở nên phổ biến trong thế hệ trẻ Trung Quốc những năm gần đây khi nhiều người trở nên mệt mỏi với những cuộc đua liên tục tại nơi làm việc và giáo dục cạnh tranh khốc liệt tại đất nước tỷ dân. Dù làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày 1 tuần nhưng họ vẫn không đủ tiền mua nhà, không có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Do đó, ngày càng nhiều người mất động lực để cố gắng và tự gọi mình là "thế hệ trẻ nằm yên".