"Võ sinh đại chiến" và cuộc chơi mạo hiểm của nhà sản xuất

Bảo Minh - Ảnh: N.V
28/12/2020 - 19:38
"Võ sinh đại chiến" và cuộc chơi mạo hiểm của nhà sản xuất

Poster phim "Võ sinh đại chiến" của nhà sản xuất Bá Cường

Bộ phim võ thuật học đường “Võ sinh đại chiến” sẽ chính thức ra rạp từ ngày 1/1/2021. Ít ai biết rằng tác phẩm mở màn mùa phim Việt năm 2021 này lại trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách.

Võ sinh đại chiến xoay quanh cuộc đối đầu giữa bộ môn MMA (võ hiện đại, thực chiến) với võ cổ truyền dân tộc, giữa các giá trị truyền thống với hiện đại, giữa những khuôn phép mô phạm của môi trường học đường với sự tự do phóng khoáng tươi mới của tình cảm học trò. Phim còn là "màn so găng" trong diễn xuất giữa "dàn diễn viên trăm tỷ" của Việt Nam như Katleen Phan Võ, Gi A Nguyễn và "hotboy triệu đô" của nhiều phim bom tấn Hollywood Tiến Hoàng.

Nhưng không chỉ là cuộc chiến trên màn ảnh, phim Võ sinh đại chiến còn là "cuộc chiến" sau màn ảnh đúng nghĩa của nhà sản xuất Bá Cường. Anh cho biết, dịch Covid - 19 xảy ra khiến nhiều kế hoạch của đoàn phim bị đảo lộn hoàn toàn:

"Đó là một giai đoạn rất kinh khủng. Phim vừa quay được 5 ngày là dịch bắt đầu bùng lên từ từ và sau đó là giai đoạn giãn cách xã hội. Có giai đoạn cả team "tan tành": Ekip nước ngoài về nước tránh dịch, anh em ở đây cũng bị tụt "mood". Hết giãn cách thì nhân sự trong đoàn hết hợp đồng, ekip có sự thay đổi liên tục, cứ người mới vô là tôi phải làm việc lại từ đầu.

Cái khó của phim Võ sinh đại chiến là có rất nhiều đại cảnh. Do quy định giãn cách nên chúng tôi chỉ quay được những cảnh nhỏ lẻ, phải rất khó khăn mới quay được đại cảnh. Trong quá trình quay, mỗi ngày tôi chỉ ngủ được khoảng 3 tiếng đồng hồ. Căng thẳng đến mức ba mẹ tôi từng phải khuyên "Thôi bỏ đi con" vì sợ mình bị "đứt gánh" do quá tải".

Cảnh trong phim Võ sinh đại chiến

Cảnh trong phim Võ sinh đại chiến

Thực ra, không phải đợi đến khi Covid-19 "tấn công" thì người trong nghề mới kêu Bá Cường "dại dột" khi chọn đề tài phim "khó nhằn". Theo như Bá Cường nói, anh cứ "đâm đầu" vào vì trót nặng lòng với mong muốn quảng bá võ thuật cổ truyền của Việt Nam .

"Chất liệu võ cổ truyền của Việt Nam là một kho vàng chưa được khai phá đúng tiềm năng. Nhưng làm sao để mang những viên ngọc thô ấy ra ngoài, mài giũa cho số đông khán giả thấy hứng thú thì tôi đã phải tâm tư trong suốt 5 năm. Hơn 5 năm là gần 2.000 ngày. Có nhiều lần rất nản chí, nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ muốn buông xuôi", anh chia sẻ.

Trong suốt 5 năm, nhà sản xuất Bá Cường tìm kiếm từng người để bổ sung vào ekip. Việc này với các thể loại phim thông dụng thì không khó, nhưng với thể loại võ thuật - học đường mà lại khai thác yếu tố võ cổ truyền dân tộc thì đúng là một "cuộc chiến" về nhân sự.

"Không phải người ta không mê võ cổ truyền đâu. Cũng nhiều người cùng tâm tư với tôi đấy chứ. Nhưng tâm tư là một chuyện, để có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực khó nhằn này lại là vấn đề hoàn toàn khác. Từ đạo diễn, biên kịch, phục trang, cho đến cả diễn viên, tất cả đều phải cố gắng 500% nỗ lực bản thân", Bá Cường chia sẻ.

Những tìm tòi mạo hiểm 

Nếu tiền tố "võ thuật" đòi hỏi nhà sản xuất nói riêng và cả ekip nói chung phải thực sự tìm tòi, thì hậu tố "học đường" lại đẩy Bá Cường vào một cuộc chơi mạo hiểm. Nói một cách công bằng, đề tài "học đường" lẽ ra không hề khó. Nhưng chính nhà sản xuất này lại tự đẩy mình vào thế khó khi đặt ra tiêu chí "tươi mới, hợp thời" khi xây dựng đời sống học đường trong Võ sinh đại chiến.

Nhà sản xuất phim Bá Cường

Nhà sản xuất phim Bá Cường

"Tất cả khán giả mà bộ phim nhắm tới từng trải qua đời sống học đường. Sẽ không còn hấp dẫn nếu một bộ phim chỉ xoay quanh bảng đen phấn trắng, phượng hồng, trống trường, sách vở, cùng với những tình yêu trong veo thơm mùi mực tím… Vậy phải làm sao? Tôi thách thức chính bản thân và ekip là phải đưa ra một bức tranh hoàn toàn khác, một thế giới học đường hoàn toàn khác.

Khi coi Võ sinh đại chiến, khán giả sẽ thấy những lát cắt rất lạ mà cũng lại rất quen. Khi phim ra rạp, việc đón nhận khen chê là quan điểm của mỗi người, nhưng tôi tin rằng khán giả sẽ đồng ý rằng thế giới học đường trong phim thực sự tươi mới, đầy hấp dẫn, mới lạ nhưng không phi lý", anh tự tin khẳng định.

Nhà sản xuất phim cũng cho biết thêm: "Sẽ có tình yêu học trò, nhưng đầy kịch tính chứ không sến sẩm. Sẽ có việc chơi theo phe theo nhóm, sẽ có cả bắt nạt và chống trả. Nhưng đó không phải là câu chuyện bắt nạt đầy rẫy trên báo chí, nó phải hiện đại và mới mẻ. Khán giả xem phim chắc chắn sẽ thích thú khi phát hiện ra rằng đó đúng là một góc rất riêng của học đường thế hệ 9x, 10x ngày nay. Nó thực sự tồn tại, đầy màu sắc, đầy cá tính như vậy đó, chỉ là nó không nằm trong nếp nghĩ của số đông".

Khi được hỏi liệu phá vỡ mọi nguyên tắc quen thuộc có quá mạo hiểm, Bá Cường cười nói: "Thà mạo hiểm để khai phá những chủ đề mới, và hướng đi mới, còn hơn chấp nhận an toàn để khán giả cho rằng mình làm phim chỉ để kiếm tiền".

Trước Võ sinh đại chiến, Bá Cường đã ghi dấu ấn với bộ phim Hạnh phúc của mẹ, giành giải Cánh Diều Vàng 2019.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm