Vô sinh vì chủ quan với quai bị

19/04/2016 - 00:09
Một trong những lý do khiến "tinh binh" yếu, hỏng là do biến chứng của bệnh quai bị.
Sau 2 năm cưới, vợ chồng Tuân – Thủy không có tin vui. Cả hai đi khám, bác sĩ nói sức khỏe của Thủy rất tốt nhưng chồng chị có vấn đề. Sau khi thăm khám cho Tuân, bác sĩ kết luận: “Hàng” rất kém, loãng, không có khả năng thụ thai.

Lúc này, cả hai vợ chồng nhớ lại. Trong thời gian kế hoạch sau hôn nhân, Tuân bị ốm, đi khám bác sĩ nói anh bị quai bị. Nhưng Tuân nghĩ trong bụng, từng này tuổi ai còn mắc quai bị, khéo bác sĩ xét nghiệm nhầm. Tuân phớt lờ lời khuyên của bác sĩ, hằng ngày sau giờ làm vẫn chơi thể thao với đồng nghiệp. Giờ Tuân ân hận đã không nghe lời bác sĩ.
quai-bi.jpg
Sưng tuyến mang tai, một biểu hiện rõ rệt của bệnh quai bị
Qua tìm hiểu và biết khả năng có con rất khó nên vợ chồng Tuân quyết định xin tinh trùng. Kết quả thật bất ngờ, chị mang thai 1 trai, 1 gái.
 
GS.TS Trần Quán Anh, chuyên gia nam học giải thích: Quai bị là một bệnh lý toàn thân, cấp tính do nhiễm virus và dễ lây lan. Bệnh thường mắc ở trẻ em. Tuy nhiên người lớn hoàn toàn có thể mắc quai bị. Những ai khi đã mắc bệnh hoặc đã được chủng ngừa, hầu hết sẽ miễn dịch đối với bệnh quai bị. Biểu hiện của bệnh khác nhau nên nhiều người chủ quan. Biểu hiện rõ nhất của bệnh là sốt và sưng một hoặc cả hai bên tuyến mang tai. Ngoài tuyến mang tai, một số cơ quan khác cũng có thể bị viêm đồng thời như tuyến nước bọt, tụy, màng não, tuyến sinh dục (tinh hoàn hoặc buồng trứng).

Tỷ lệ có biến chứng viêm tinh hoàn ở các trường hợp quai bị sau tuổi trưởng thành có thể từ 20% đến 35%. Nếu nam giới sau tuổi trưởng thành mắc quai bị, cần thăm khám, nghỉ ngơi, chăm sóc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu không, có thể dẫn đến các biến chứng sau:
 
- Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường.

- Viêm buồng trứng: Có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh. Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai: Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
 
- Viêm tụy: Có tỷ lệ 3% - 7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.

- Các tổn thương thần kinh: Viêm não có tỷ lệ 0,5%, bệnh nhân có các hiện tượng như: Thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm