Chị Thanh Tâm thân mến!
Em kết hôn được 5 năm, có hai con trai, vợ chồng em đều là công chức nhà nước. Hiện bọn em đang sống trong ngôi nhà hai tầng khá khang trang ở mặt phố huyện, do bố mẹ em cho. Người ngoài nhìn vào đều cho rằng cuộc sống như vậy là quá ổn. Nhưng vợ em lại không thấy vậy bởi cô ấy luôn so sánh nhà mình với nhà hàng xóm.
Hàng xóm nhà em cũng là một đôi vợ chồng trẻ. Cô vợ là giáo viên dạy tiểu học, anh chồng là kĩ sư ngành xây dựng. Mỗi lần nghe tin nhà họ thay xe, mua sắm đồ đạc mới hay tậu thêm một mảnh đất là vợ em lại than thở, kêu ca. Cô ấy cho rằng cô vợ hàng xóm sung sướng vì lấy được anh chồng biết kiếm tiền. Gia đình họ có tương lai còn nhà em chỉ có nước lẹt đẹt bởi hai vợ chồng đều trông vào đồng lương công chức ba cọc ba đồng. Những lúc như vậy, em thực sự không còn muốn nói gì với cô ấy. Em quá chán, quá vô cảm với những lời kêu ca của cô ấy rồi, đôi khi em cảm thấy cuộc sống gia đình thật ngột ngạt, bế tắc.
Hữu Khang
Em quá chán nản vì những lời kêu ca của vợ (ảnh minh họa) |
Chị hiểu cảm giác của em mỗi lần nghe vợ than vãn, bởi không người đàn ông nào muốn mình bị đem ra so sánh như vậy cả. Tuy nhiên, im lặng hay chán chường không phải là cách giúp em giải quyết được vấn đề đâu em ạ. Vợ em chỉ nhìn thấy những mặt tích cực của một người đàn ông kiếm nhiều tiền mang lại nhưng không thấy hoặc đang cố tình bỏ qua những mặt tiêu cực.
Em cần nhấn mạnh cho cô ấy hiểu rằng, cái gì cũng có giá của nó. Để kiếm ra nhiều tiền thì người đàn ông ấy cần bỏ ra nhiều thời gian, công sức, thậm chí có thể ở xa nhà. Vậy nên thời gian dành cho gia đình cũng ít đi. Chắc chắn sẽ có lúc vợ cần mà chồng chẳng thể có mặt. Hơn nữa, vợ chồng nếu phải ở xa nhau cũng có nhiều nguy cơ tan vỡ hơn như nghi ngờ, ngoại tình…
Nếu lương cơ bản chưa đủ để duy trì cuộc sống gia đình một cách ổn thỏa thì vợ chồng em nên bàn bạc với nhau những cách để gia tăng thu nhập. Ví dụ như bán quán nước buổi tối tại nhà, hay bán đồ ăn vặt…
Chúc em sớm tìm lại được niềm vui bên gia đình nhỏ của mình!