Vô tư phơi dược liệu trên đường đầy bụi bặm ở Ninh Hiệp

21/06/2018 - 14:58
Theo những gì PV được mục sở thị tại làng thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Giang (xã Ninh Hiệp, Hà Nội), quy trình sản xuất cũng như hong phơi dược liệu ở đây còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.
17.jpg
Sơ chế thuốc dược liệu tại Ninh Hiệp.

 

Dưới cái nắng như đổ lửa giữa tháng 6 cao điểm mùa hè, chúng tôi “đột kích” làng thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Giang (xã Ninh Hiệp, Hà Nội). Chạy xe chầm chậm dọc phố chính thôn 7, 8, 9, mùi các vị thuốc đã được sao tẩm xộc lên sực nức, ngạt ngào.

Ninh Hiệp gồm 3 làng cổ là Ninh Giang, Phù Ninh và Hiệp Phù. Nay làng Ninh Giang đổi tên thành thôn 8, Hiệp Phù thành thôn 9, Phù Ninh là thôn lớn nhất được chia thành 7 thôn (từ thôn 1 đến thôn 7). Các bậc cao niên cùng những người am hiểu lịch sử làng xã nói rằng họ không dám khẳng định đây là làng thuốc cổ nhất của Thăng Long, nhưng dám khẳng định, nghề thuốc bén rễ ở nơi này cùng thời với triều đại nhà Lý định đô ở Thăng Long.

2222.jpg
Ninh Hiệp là "vựa" dược liệu lớn của cả nước. 

 

Xưa kia, nguồn dược liệu vô cùng quý giá đối với dân làng Ninh Giang và Phù Ninh là rừng báng thuộc đất Đông Ngàn (nay là Tiên Du, Bắc Ninh), vừa là nơi khai thác vừa là nơi gieo trồng cây thuốc. Tuy thu nhập không cao như kinh doanh vải nhưng nghề làm thuốc là nghề hướng thiện, để lại nhiều phúc đức cho con cháu nên được nhiều người gắn bó, duy trì theo kiểu cha truyền con nối. Gia truyền đời nọ nối đời kia, người dân Ninh Giang ngày nay vừa biết sơ chế thuốc, vừa biết bốc thuốc cho người bệnh các nơi tìm đến. 

Ở thôn 8 hiện có hàng trăm hộ chế biến thuốc. Nhà ít thì vài ba người làm nghề, nhà kinh doanh lớn phải thuê tới vài chục nhân công. Một người trong làng cho biết, trước đây, người thôn 8 cũng như các thôn khác của Ninh Hiệp thường gánh thuốc bằng bồ rong bán khắp nơi và phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm, có tới gần nửa dân gốc ở Ninh Hiệp. Từ bao năm nay, phố Lãn Ông là nơi tiêu thụ phần lớn thuốc ở Ninh Hiệp. 

11.jpg
Sản xuất thuốc Nam, thuốc Bắc ở Ninh Hiệp. 

 

Năm 2009 làng thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Giang đã được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Vì là làng nghề với hàng trăm hộ dân nên nguồn cung - cầu hàng ngày ở Ninh Giang rất lớn. Qua tìm hiểu được biết, các sản phẩm thuốc Nam, thuốc Bắc “made in Ninh Hiệp” chủ yếu được thu mua ở các tỉnh phía Bắc nước ta và nhập từ Trung Quốc về, sau đó sơ chế, vận chuyển đi các nơi tiêu thụ.

Theo một nguồn tin riêng PV tìm hiểu được, ngoài các công ty, hộ kinh doanh được cấp phép hoạt đông, cá nhân được cấp chứng chỉ đào tạo y, dược học cổ truyền thì trên thực tế, con số hộ kinh doanh có giấy phép đăng ký hoạt động còn rất thấp so với tổng số cá nhân, tổ chức chuyên doanh nguyên - dược liệu ở Ninh Hiệp. Do nhu cầu người dân sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc từ Đông y nên để kiếm lời, một số hộ kinh doanh "lập lờ đánh lận con đen" đã tự ý mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng về sơ chế rồi bán ra thị trường. 

13.jpg
Các mặt hàng dược liệu và cả các sản phẩm đóng gói nhãn hiệu Trung Quốc được bày bán rất nhiều trong các cửa hàng thuốc, dược liệu ở Ninh Hiệp. 

 

Ngoài các mặt hàng thuốc Nam, thuốc Bắc, nếu khách hàng có nhu cầu mua các loại dược phẩm quý như An cung ngưu hoàng hoàn, Đông trùng hạ thảo, Nấm linh chi, Tam thất… đều rất sẵn. Giá các mặt hàng bày bán ở các cửa hàng thuốc dược liệu ở đây cũng “vô thiên lủng” với nhiều mức khác nhau, thuốc có nguồn gốc Việt Nam mức giá khác xa so với nguồn gốc Trung Quốc.

“Bên cạnh các cơ sở, hộ gia đình được cấp phép, hiện tồn tại không ít các hộ/cá nhân không được cấp phép sản xuất, kinh doanh mặt hàng thuốc Đông y này. Đây thực sự là điều đáng lo ngại vì không ai quản lý, kiểm tra và giám sát được các cơ sở/cá nhân ấy”, một khách hàng lo ngại.

Còn theo như những gì PV mục sở thị được, quy trình sản xuất cũng như hong phơi các loại dược liệu ở đây khiến người ta chưa thể an tâm về chất lượng. Bằng chứng là quan sát bằng mắt thường cũng nhận ra, không ít loại dược liệu bị chuyển màu mốc xanh/đen được đem phơi ngoài đường đầy bụi bặm.

112.jpg
333.jpg
1.jpg
Bên cạnh những cơ sở có lò sấy dược liệu thì vẫn còn nhiều loại dược liệu được đem phơi ngoài đường. 

 

777.jpg
Tam thất được thu mua/nhập về đem rửa, phơi để đóng gói. 

 

5666.jpg
Trong các ngõ nhỏ, người dân dùng xe máy để vận chuyển dược liệu. 

 

555.jpg
Một phụ nữ được thuê để sao thuốc với tiền công 280.000 đồng/ngày. 

 

17a.jpg
Trấu là nguyên liệu được dùng khi sao cùng dược liệu để cho màu thuốc được vàng, bắt mắt. Ảnh KD
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm