Vợ tuyên chiến không về quê ăn Tết

20/09/2015 - 09:09
Sau nhiều năm cùng chồng về quê ăn Tết, lần này, người vợ tuyên bố xanh rờn, chỉ mình anh về thôi khiến chồng không khỏi tức giận và băn khoăn.
Người chồng trẻ ấy than vãn với Thanh Tâm rằng không hiểu sao vợ anh bỗng dưng đổi tính đổi nết. Càng gần đến ngày Tết, hễ anh sốt sắng nhắc cô việc mua sắm quà Tết về quê thì cô tỏ thái độ khó chịu hoặc lầm lì, chẳng nói chẳng rằng. Vừa xong đây cô còn đột ngột tuyên bố xanh rờn: “Năm nay chỉ mình anh về quê ăn Tết thôi. Mẹ con em sẽ ở lại. Em quá ngán việc về quê ăn Tết rồi!”.
Thấy vợ tỏ thái độ công khai, người chồng nghĩ ngay là vợ xem thường nhà chồng, xem thường chồng. 7 năm anh lấy vợ thì đã có 6 năm anh cùng vợ con về quê ăn Tết, nếu năm nay anh lủi thủi về quê một mình thì bố mẹ, anh em, họ hàng sẽ nghĩ gì đây? Liệu mọi người trong gia đình anh có vui vẻ được không? Tại sao vợ anh xem thường bổn phận làm dâu con trong gia đình chồng đến thế? Đã cả năm không phải làm dâu bố mẹ chồng ngày nào, giờ chỉ có mấy ngày Tết cũng định rũ bỏ nốt. Tự dưng máu trong người anh như sôi lên, anh không thèm hỏi vì sao vợ lại tuyên bố như vậy. Anh cũng tuyên bố xanh rờn với vợ: “Cô thích làm gì thì làm, tôi không quan tâm!”. Kết quả là từ lúc đó cho đến khi đi ngủ, vợ chồng chẳng thèm nói với nhau lời nào nữa. Người vợ nằm quay mặt vào trong khóc rấm rứt anh cũng mặc kệ. Quá nửa đêm anh không sao chợp mắt được, đành ngồi dậy ra phòng khách gọi điện đến cho Thanh Tâm…

Thấy vợ tỏ thái độ công khai, người chồng nghĩ ngay là vợ xem thường nhà chồng, xem thường chồng
(ảnh minh họa)

Khi Thanh Tâm hỏi trước đây vợ anh có thích về quê chồng vào dịp Tết không, người chồng trẻ khẳng định vài ba năm đầu cô rất thích, không chỉ khi đã là vợ anh mà từ khi hai người đang yêu nhau cô đã rất háo hức mỗi khi được về quê chơi. Thanh Tâm lại hỏi trước khi về quê ăn Tết, vợ chồng anh thường mua sắm những quà gì? Người chồng thật thà kể rằng, dịp Tết vợ chồng anh luôn phải chi một khoản kha khá cho việc mua sắm quà Tết và mừng tuổi bố mẹ, anh em họ hàng. Anh cũng khẳng định mọi việc mua sắm anh chỉ đưa ra yêu cầu còn vợ anh là người thực hiện. Khi nghe anh liệt kê ra một danh sách biếu quà khá dài, không chỉ bố mẹ, anh chị em trong nhà mà cả ông chú bà bác, ông cậu bà cô, Thanh Tâm bật kêu lên: “Sao phải biếu quà nhiều người thế hả em?”. Anh chồng bật cười: “Chị hỏi đúng câu vợ em năm nào cũng hỏi khiến em phát gắt lên”. Rồi anh giải thích: “Chị không biết đâu, đấy toàn là những người bà con họ hàng đã cưu mang giúp đỡ gia đình em lúc hoạn nạn, khó khăn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no mà chị. Bố mẹ em bảo giờ chúng em được ăn học nên người cũng một phần nhờ bà con họ hàng giúp đỡ nên không bao giờ được quên ơn”. Thanh Tâm hỏi anh đã khi nào kể chi tiết cho vợ biết về việc những người họ hàng đó đã cưu mang, giúp đỡ gia đình anh lúc hoạn nạn khó khăn chưa thì anh ngẩn ra: “Quả là em chưa bao giờ nói rõ. Em nghĩ em làm chủ trong gia đình, tiền thì cũng chủ yếu do em làm được, em bảo làm gì thì vợ em cứ việc làm, sao phải hỏi nhiều. Với lại thấy cô ấy thắc mắc là em nghĩ ngay cô ấy lại tiếc tiền nên mắng át đi cho đỡ kèo nhèo”…
Thanh Tâm nói để người chồng trẻ ấy nhận ra cái sai về phương pháp của anh trong việc này. Thay vì tự cho mình quyền áp đặt, không cần giải thích với suy nghĩ vì tiền cũng do mình làm ra, anh chỉ cần tâm sự với vợ những kỷ niệm không thể nào quên về tuổi thơ khốn khó của mình. Nếu không có vòng tay dang rộng của những người bà con họ hàng ấy thì anh không thể có ngày hôm nay, chắc chắn vợ anh sẽ lo sắm sửa những món quà Tết đó với đầy lòng ân tình, biết ơn. Thanh Tâm lại hỏi về quê ăn Tết với người thân thì vợ chồng anh có phải làm gì không? Người chồng ngoài việc ra khu mộ thắp hương mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết, ngoài việc lau chùi đồ thờ và sắp mâm ngũ quả, hương hoa tiền vàng thì chỉ là giao lưu thăm hỏi, tiếp nước, tiếp rượu, chơi cờ tướng với mọi người. Nhưng còn vợ anh thì quả là phải làm nhiều việc. Anh nói vì muốn “thể hiện” có người vợ khéo léo nội trợ nên khi về quê anh thường bảo vợ trổ tài hết món nọ món kia để tiếp đãi người thân họ hàng. Ban đầu cô cũng rất hào hứng thể hiện khi được bố mẹ chồng, anh chị em nhà chồng nức nở khen ngợi. Nhưng rồi cô than thở với anh: Tết ở quê lạ quá, sao ai đến chủ nhà cũng phải mời ở lại “uống rượu”? Ban đầu vợ anh nghĩ mời uống rượu có nghĩa chỉ đàn ông uống rượu với nhau thôi, phụ nữ không can dự vào. Nhưng té ra cứ sau lời mời ai đó ở lại uống rượu có nghĩa là chủ nhà lại phải sắp mâm bát, đồ ăn bê lên, có nghĩa là vợ anh lại được điều vào bếp để trổ tài nấu nướng. Kết quả là mỗi ngày Tết vợ anh ít ra cũng phải vào bếp ba bốn lần, dọn rửa mâm bát ba bốn lần trong tiết trời mùa đông giá buốt…Kết quả là sau một tuần về quê ăn Tết được bao lời nức nở khen ngợi của nhà chồng, vợ anh than thở với anh đã gầy đi mất 2 kg và thiếu ngủ triền miên cả nửa tháng trời. Vậy mà anh chẳng mấy để tâm đến lời than thở của vợ, cũng chẳng động viên, an ủi. Vì nghĩ cả năm có một tuần Tết để vợ anh thể hiện là dâu hiền vợ thảo cho anh được “oách” ở quê thì có gì mà phải kêu ca? Để đến Tết sau mọi chuyện như thế lại lặp lại…
Thanh Tâm đã hiểu vì sao người vợ ấy tỏ thái độ với chồng không thích về quê ăn Tết nữa. Người chồng cũng nhận ra sự vô tâm và có phần gia trưởng áp đặt của anh đã gây nên cơ sự này. Kết thúc cuộc chuyện trò với Thanh Tâm, người chồng khá hào hứng, vui vẻ, hứa sẽ làm lành với vợ ngay vào buổi sáng ngày mai, sẽ xin lỗi đã làm vợ bị áp lực, buồn phiền vì sự vô tâm, áp đặt, thích thể hiện của mình. Anh còn hứa với Thanh Tâm nhất định sẽ dành thời gian cùng vợ đi mua sắm quà Tết, sẽ không quên tự tay mua sắm quà Tết biếu bố mẹ, anh em nhà vợ chứ không phó thác cho vợ như trước đây. Anh còn hứa nhất định Tết này sẽ thay đổi hành vi ứng xử của mình khi về quê, sẽ chia sẻ mọi công việc cùng vợ để cô có thời gian nghỉ ngơi, cùng đi thăm thú, chúc Tết họ hàng… Người chồng tỏ ra rất phấn khích sau cuộc nói chuyện. Và Thanh Tâm cũng tin rằng vợ anh sẽ không còn sợ về quê ăn Tết nữa. Thay vào đó, với gia đình nhỏ của họ, về quê ăn Tết thực sự là một chuyến đi picnic về quê cha đất tổ thật thú vị và ý nghĩa kể từ mùa xuân này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm