Vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo gây chấn động khi Nhật Bản kiểm soát súng rất chặt chẽ

Diệp Lục
09/07/2022 - 08:43
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo gây chấn động khi Nhật Bản kiểm soát súng rất chặt chẽ
Nhật Bản vốn nổi tiếng là nơi quyền sở hữu súng được kiểm soát chặt chẽ.

Lần cuối cùng một Thủ tướng đương nhiệm hoặc cựu Thủ tướng Nhật Bản bị bắn là cách đây 90 năm. Điều này cho thấy Nhật Bản hiếm khi xảy ra vụ tấn công bằng súng đạn, nơi quyền sở hữu súng được kiểm soát chặt chẽ.

Theo các báo cáo, vụ nổ súng đã hạ gục cựu Thủ tướng Abe Shinzo vào hôm 8/7 khi ông đang có bài phát biểu gần một nhà ga xe lửa, thuộc tỉnh Nara trước cuộc bầu cử Thượng viện được diễn ra cuối tuần này. Ông Abe đã qua đời tại bệnh viện sau khi được điều trị tích cực.

Vụ việc cựu Thủ tướng Nhật Abe bị bắn sẽ làm Nhật Bản thay đổi mãi mãi - Ảnh 1.

Các nhân viên cảnh sát tại hiện trường nơi ông Abe bị bắn.

Nhật Bản - nơi hiếm xảy ra vụ nổ súng

Yuki Ito, 42 tuổi, người đang mua sắm tại một hiệu thuốc gần hiện trường vụ việc chia sẻ trên truyền thông: "Thật là sốc, tôi chưa bao giờ nghĩ thảm họa như vậy lại xảy ra. Đây là khu vực gần các văn phòng, ngân hàng và trung tâm mua sắm, rất an toàn. Tôi đã rất sợ hãi khi biết rằng kẻ tấn công có sử dụng súng".

Các vụ bắn súng không phổ biến ở Nhật nhưng nó không phải là chưa từng xảy ra. Theo Cơ quan Chính sách Quốc gia, đã có 10 vụ nổ súng diễn ra vào năm ngoái, khiến 1 người chết và 4 người bị thương. Năm 2018, Nhật Bản báo cáo 9 trường hợp tử vong do súng, tuy nhiên trong cùng năm, ở Mỹ lại số ca tử vong do súng là 39.740 người.

Nghi phạm bắn ông Abe được cảnh sát xác nhận là Yamagami Tetsuya, 41 tuổi, cựu quân nhân Lực lượng Phòng vệ Biển. Vũ khí mà Yamagami sử dụng nhiều khả năng là một khẩu súng săn tự chế. 

Vụ việc cựu Thủ tướng Nhật Abe bị bắn sẽ làm Nhật Bản thay đổi mãi mãi - Ảnh 2.

Nghi phạm bị bắt giữ ngay tại hiện trường.

William Cleary, giáo sư tại Đại học Hiroshima Shudo cho biết: "Ở Nhật Bản, kiểu nổ súng này cực kỳ hiếm, đó là lý do tại sao nghi phạm lại dễ dàng ra tay hành động. An ninh rõ ràng là đã quá lỏng lẻo. Sau vụ việc này, chúng ta cần thắt chặt an ninh hơn, nhất là những sự kiện công khai trong các cuộc bầu cử".

Vào năm 1932, cựu Thủ tướng Tsuyoshi Inukai đã bị một sĩ quan hải quân ám sát. Có một điểm trùng hợp là, Yamagami, người bị tình nghi đã bắn ông Abe từng là quân nhân Lực lượng Phòng vệ Biển. 

Ông Abe được biết đến là vị Thủ tướng nỗ lực "hồi sinh" nền kinh tế Nhật Bản với chính sách "Abenomics" nổi tiếng. Bên cạnh đó, Thủ tướng tại vị lâu nhất của nước này cũng từng tìm cách tăng cường chi tiêu quốc phòng và sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình gây ra nhiều tranh luận trong và ngoài nước.

Ông Hiromichi Watanabe, một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Tự do (LDP) phát biểu: "Đây là một cú sốc nghiêm trọng. Tôi không thể tin được một chuyện như thế này lại có thể xảy ra ở Nhật Bản".

Quy định sử dụng súng ở Nhật Bản

Năm 2007, cựu Thị trưởng Nagasaki Iccho Ito đã thiệt mạng sau khi bị một thành viên băng đảng bắn vào lưng. Kể từ đó, Nhật Bản đã siết chặt luật kiểm soát súng đạn, thông qua việc ban hành các hình phạt nặng hơn cho tội phạm sử dụng súng thuộc các băng nhóm có tổ chức

Theo quy định hiện hành, những loại súng duy nhất được phép bán ở Nhật Bản là súng ngắn và súng hơi. Nếu người Nhật muốn sở hữu súng, họ sẽ phải tham gia khóa học cả ngày, vượt qua bài kiểm tra viết, đạt độ chính xác ít nhất 95% trong bài kiểm tra bắn súng.

Họ cũng phải trải qua đánh giá sức khỏe tâm thần và kiểm tra ma túy, cũng như kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt, trong đó có xem xét hồ sơ tội phạm, nợ cá nhân, sự liên quan với tội phạm có tổ chức. Ngoài ra, còn có phỏng vấn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp người muốn sở hữu súng.

Vụ việc cựu Thủ tướng Nhật Abe bị bắn sẽ làm Nhật Bản thay đổi mãi mãi - Ảnh 3.

Ông Abe đã qua đời sau khi bị tấn công bằng súng.

Chủ sở hữu súng phải cất giữ vũ khí ở nơi riêng biệt, có khóa và chìa khóa, sau đó thông báo với cảnh sát. Cứ ba năm một lần, họ phải tham gia lại khóa học và thực hiện đợt kiểm tra. Khi chủ sở hữu qua đời, thân nhân của họ cũng phải giao nộp lại súng.

Vào năm 2017, ước tính chỉ có khoảng 377.000 khẩu súng được dân thường ở Nhật Bản sở hữu. Luật Kiểm soát Súng và Kiếm của Nhật Bản quy định khung hình phạt đối với tội sở hữu súng trái phép lên đến 10 năm tù, trong khi người tàng trữ nhiều hơn một khẩu súng có thể đối mặt mức án 15 năm tù. Hình phạt nặng nhất cho tội nổ súng nơi công cộng là tù chung thân.

Bà Nancy Snow, Giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế Nhật Bản, chia sẻ với CNN: "Người Nhật Bản không thể tưởng tượng về việc xã hội của họ tồn tại nạn bạo lực súng đạn như một số quốc gia khác. Đây là khoảnh khắc không nói nên lời. Tôi nghĩ, vụ xả súng ngày 8/7 sẽ thay đổi Nhật Bản, không may là mãi mãi".

Nguồn: Bloomberg, CNN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm