Vũ công ballet Misty Copeland: Giấc mơ “hóa thiên nga”

15/02/2016 - 11:19
Chưa nữ nghệ sĩ da màu nào ở Nhà hát làm được điều này trước đó. Misty đã được tạp chí Time Mỹ bình chọn là 1 trong số 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới 2015.

Tháng 6/2015, khán phòng Nhà hát Ballet Mỹ ở New York như nín thở khi Misty Copeland lướt ra sân khấu. Nàng là Odette trong vở “Hồ Thiên nga” của thiên tài Tchaikovsky.

copelandgeneschiavone.jpg
 Misty vào vai chính bên các bạn diễn trên sân khấu

Từ những đồng tiền lẻ may rủi

13 tuổi, Misty sống cùng gia đình tại khu nhà tạm nằm kề đường cao tốc ồn ào xe cộ ở ngoại ô Los Angeles. “Nhà tôi thường không còn xu nào. Chúng tôi hay lật những tấm đệm ghế sofa, thảm trải sàn, hy vọng tìm được vài đồng tiền lẻ may mắn, rồi nhanh nhảu chạy ra cửa hàng thực phẩm ở góc đường, để xem có thể mua thứ gì đó ăn cho đỡ đói”, Misty nhớ lại.

Mẹ Misty từng là diễn viên hài. Bà không phải mẫu người phụ nữ chỉn chu. Bà có 6 đứa con. Misty chào đời năm 1982. Cuộc sống ở tuổi vị thành niên vật lộn giữa những toan tính thường nhật: đến trường, cuộc chiến giành chỗ ngủ dưới sàn nhà, bữa ăn khả dĩ ấm bụng cùng tình yêu lớn cho thể dục nghệ thuật. Misty có thể hàng giờ xem băng video ghi chương trình biểu diễn của nữ thần tượng người Romania Nadia Comaneci. Rồi bắt đầu tự tập luyện. Cô phát hiện mình có đôi tay và đôi chân mềm dẻo không khác gì cao su, dễ dàng thực hiện động tác “trồng cây chuối” và duy trì tư thế thăng bằng hàng chục phút.

Nhận ra năng khiếu khác thường của học trò, cô giáo thể dục đã giới thiệu Misty với cô giáo dạy ballet Cindy Bradley. “Nghệ sĩ vũ ba lê lý tưởng có cái đầu nhỏ, 2 vai xuôi, cặp chân dài, bàn chân to và vòng 2 nhỏ”, nghệ sĩ George Balanchine, biên đạo múa, nhà sáng lập New York City Ballet, mô tả. Song, Misty, ngoài vóc dáng thì không còn gì thích hợp với vũ ballet. Thứ nhất, Misty quá nghèo, trong khi nghệ thuật này là những giờ học tốn kém. Chỉ riêng một cặp tất - giày ballet đã 80 USD, trong khi nữ học viên mỗi tuần cần một cặp tất - giày mới. Các nữ sinh theo nghề bắt đầu tập luyện từ tuổi mẫu giáo, trong khi Misty đã 13 tuổi. Nhưng cô Cindy không dễ đầu hàng, động viên Misty: “Con hãy thử đi!”.

“Đứa trẻ tuyệt vời của vũ ballet tiến bộ với tốc độ chóng mặt. Đa số học viên phải sau 3 năm tập luyện mới có thể đứng trên mấy ngón chân. Còn Misty làm chủ động tác này ngay sau 3 tháng. Tôi chưa gặp học sinh nào tài hoa như Misty”, cô giáo Cindy nhớ lại.

 Người trợ giúp

Chứng kiến con gái suốt ngày vắng nhà, quá ham tập luyện, mẹ đã cấm Misty theo học ballet. Cô Cindy tìm đến gia đình Misty thương thảo. Cô đã bị sốc khi chứng kiến gia cảnh nữ sinh tài hoa, nhà tạm bị bao vây bởi cả dãy cửa hàng bán rượu và những quán ăn rẻ tiền. Cô giáo nảy ý tưởng bất ngờ, đón Misty về làm con nuôi.

Misty đáp lại nỗ lực của cô Cindy bằng học bổng của trường đào tạo vũ công ballet. Và Nhà hát Ballet Mỹ biết đến Misty từ những khóa bổ túc mùa hè dành cho học viên trẻ có năng khiếu xuất sắc, đã chính thức tuyển cô vào đoàn. “Từ xa xưa, vũ ballet là bộ môn nghệ thuật dành riêng cho những người da trắng và giàu có, còn tôi xuất thân từ gia đình da màu thiếu đói kinh niên”, Misty tâm sự.

Bền bỉ theo đuổi đam mê

Misty là “bé gái màu nâu nhỏ bé lọt thỏm trong cả rừng thiếu nữ da trắng”. Một mình Misty buộc phải đổi mặt với tư tưởng kỳ thị sắc tộc “da màu sẽ phải xếp sau cùng, nhất là trong vở “Hồ Thiên nga”. “Đất dưới chân tôi bỗng tan biến. Buồn khôn tả, nhất là thời điểm tổng duyệt đang đến gần. Khi lãnh đạo đoàn công bố các vai diễn chính, không có tên tôi. Tôi chỉ có thể thực hiện những vai phụ”. Misty cảm thấy bị hạ nhục, song cô nhanh chóng trấn tĩnh. Misty phát hiện, Raven Wilkinson, phụ nữ Mỹ da đen đầu tiên trở thành thành viên của Nhà hát Ballet Mỹ (thập kỷ 1950) thường phải bôi mặt thành da trắng, trước mỗi chương trình biểu diễn.

“Thoạt đầu, tôi làm việc đó với tâm thế bình thản, như thành phần cấu thành của màn trình diễn. Tất cả các vũ nữ đều phủ lên gương mặt lớp phấn mầu trắng, để khán giả liên tưởng đến những nhân vật siêu nhiên, giống những linh hồn trong vũ điệu ballet trắng. Nhưng khi sắm vai con dê - nạn nhân trong vở “Sylvia” hay Vilida trong vở “Giselle”, thay vì sử dụng phấn mầu trắng như đồng nghiệp, tôi dùng mầu ngà voi, chỉ mang lại hiệu ứng làn da sáng hơn”. Misty khao khát xuất hiện trên sân khấu với làn da bẩm sinh.

“Một buổi sáng thứ 7, điện thoại của tôi nhận tin nhắn “Liệu tôi có thể cho Prince số điện thoại của bạn?”, Misty kể. Prince là ngôi sao nhạc pop, ông muốn mời Misty xuất hiện trong video clip làm “nền” cho ca khúc nổi tiếng “Crimson and Clover” của mình. Cô đã tỏa sáng, cùng Prince thực hiện chuyến công diễn ngắn ngày khắp nước Mỹ, thu hút nhiều ngàn người hâm mộ.

Khi tập vở “Con chim lửa”, Misty dồn hết tâm sức, dù không tin sẽ được trao vai chính. Đến ngày công bố danh sách phân vai, nàng òa khóc. “Hai người được sắm vai chính luân phiên là vị khách mời - nữ nghệ sĩ người Nga nổi tiếng Natalia Osipova và tôi, Misty Copeland”, cô tự hào.

Với màn trình diễn tháng 6/2015 trong vở “Hồ Thiên nga”, Misty đã khẳng định đẳng cấp mới của mình trong nghề múa ballet.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm