Vụ đổ gạch đá vào trường học ở Hà Nội: Học sinh bị biến thành ‘con tin’

07/09/2018 - 18:18
Việc tranh chấp do mâu thuẫn làm ăn giữa chủ đầu tư trường tiểu học - THCS Pascal với đơn vị cho thuê mặt bằng dẫn đến việc đổ gạch đá vào trường học để gây sức ép. Cách hành xử phi giáo dục ngay giữa thủ đô ngày khai giảng khiến phụ huynh và giáo viên thất vọng.

Là phụ huynh có cả hai con học tại Tiểu học – THCS Pascal (Hà Nội) và cũng là người công tác trong lĩnh vực giáo dục, PGS.TS toán học Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) tỏ thái độ bất bình trước hành vi đổ gạch cát gây sức ép của đơn vị DTS do bà Trần Thị Kim Phương làm Chủ tịch hội đồng.

Sáng 7/9, chị Thơ có mặt tại trường để cùng hỗ trợ, làm rõ các vấn đề. Mong muốn lớn nhất của chị cũng như nhiều phụ huynh có con học tại đây là mớ hỗn độn gạch đá băng rôn cần phải nhanh chóng được dọn dẹp, trả lại môi trường học tập sạch sẽ bình yên cho học sinh.

img_3964.jpg
Chị Chu Cẩm Thơ (trái) có mặt ở trường Pascal sáng 7/9. Ảnh: D.H
 

Chia sẻ về điều này, chị Chu Cẩm Thơ cho biết, chừng nào đống gạch cát này còn tồn tại, sự an toàn của học sinh còn khó đảm bảo. “Chỉ cần các con đùa nghịch, nhỡ tay cầm gạch chọi nhau thôi là xảy ra chuyện lớn rồi. Hôm qua tôi còn chứng kiến cảnh đau lòng hơn là có bạn học sinh còn nhổ cả nước bọt vào đống gạch để tỏ sự tức tối. Người lớn nhìn thấy như vậy, có ai là không cảm thấy buồn khi vô hình chung giáo dục con cái chúng ta về những hành xử như vậy?” – nữ phụ huynh chia sẻ.

Nói về mâu thuẫn của chủ đầu tư, chị Thơ cho biết sự việc đang đi càng xa và chính quyền không thể tiếp tục thờ ơ, đừng để đến khi phải chứng kiến cảnh học sinh, phụ huynh đình công bởi lúc đó thì chẳng thể cữu vãn được gì nữa.

Theo chị, quan hệ dân sự tranh chấp không chỉ vài tháng, một năm mà thậm chí là phải đến cả chục năm trời, và bản chất của tranh chấp là các bên không bao giờ nghĩ lợi ích xã hội là lợi ích chung cả.

“Thế nhưng, sự khác biệt duy nhất ở đây chính là quan hệ dân sự này liên quan đến việc học của những đứa trẻ. Và những đứa trẻ này trong độ tuổi phổ cập – tất cả những đứa trẻ ấy phải được bảo vệ bởi bố mẹ, gia đình và xã hội” – chị Chu Cẩm Thơ cho hay.

Điều mà PGS.TS Chu Cẩm Thơ cũng như nhiều phụ huynh khác con có học tại đây quan tâm lớn nhất hiện nay chính là lợi ích của học sinh và sự an toàn của môi trường sư phạm.

“Các con tôi được nhà trường “giải thích” rằng đó là trường đang được sửa chữa. Nhưng tụi nhỏ đã biết đọc, tụi nhỏ được GD trung thực… Hãy nghĩ đến điều đó, chắc các bạn sẽ cũng như tôi, đủ run người vì sợ hãi. Cả các giáo viên nữa, khi chứng kiến họ khóc vì bất lực, tôi không hiểu nổi tại sao lại có cơ sự như vậy. Chẳng lẽ chính quyền, chẳng lẽ chúng ta cứ để điều đó xảy ra mặc nhiên?” – chị bức xúc cho biết.

41086322_1844482308969425_9198714530824192000_n.jpg
Trưa 7/9, trước đề nghị của trường, gạch cát đang được dọn đi. Ảnh: D.H
 

Cùng suy nghĩ với chị Cẩm Thơ, anh Nguyễn Trí Tín - phụ huynh có con học trường Pascal - chia sẻ rằng vào hôm 5/9 khi đưa con đi học, anh rất ngạc nhiên khi các tấm băng rôn vẫn được treo ở cổng. Con anh đọc và hỏi tới đây cháu có được đi học nữa không.

“Theo tôi việc treo những tấm băng rôn này thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Tất cả học sinh (trừ các em lớp 1) đều biết đọc và sẽ hoang mang ra sao? Chuyện của người lớn mâu thuẫn thì giải quyết với nhau bằng pháp luật, treo những tấm băng rôn này lên đây để làm gì?”, anh Tín cho hay.

Trao đổi với Phụ nữ Việt Nam sáng 7/9, bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học – THCS Pascal cho biết chủ đầu tư phải nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn với nhau thay vì khiến học sinh và nhà trường phải chịu trận.

“Họ có thể mang nhau ra tòa án, pháp luật để phân định bên nào đúng bên nào sai chứ không thể nào đổ tất cả sự giận dữ của họ, sự ích kỷ cá nhân của họ vào trường học được! Vì thế mong muốn của chúng tôi là hai bên phải càng sớm càng tốt giải quyết, để học sinh đỡ đặt ra những câu hỏi mà thầy cô không thể biết trả lời ra sao” – bà Hà cho hay.

Cũng theo bà Vĩnh Hà, hiện nhà trường chưa nhận được văn bản về việc có thông báo ngày 15/9 học sinh sẽ di dời, mọi việc vẫn đang được chính quyền vào cuộc xử lý. Việc học vẫn diễn ra binh thường, song vẫn có nhiều em hoang mang về việc liệu có phải dời đi hay không. “Tôi chỉ biết trả lời là đây là chuyện người lớn, các con cứ yên tâm học tập, các cô sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các con để các con được học tập tốt!” – bà Hà nói.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm