Vụ nữ sinh bỏng nặng: Trường ứng xử thiếu nhân văn

09/02/2017 - 15:12
Trước việc xử lý chậm trễ, thậm chí định "cho qua" vụ tai nạn học đường khiến nữ sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) bỏng nặng, nhiều nhà giáo bày tỏ sự không đồng tình với cách “giữ danh tiếng của nhà trường nên đã ứng xử thiếu nhân văn”.
Vụ đốt cồn ở phòng thí nghiệm của trường khiến nữ sinh D.A bị bỏng nặng từ cổ đến vai, tay, bụng.

Nhiều đồng nghiệp trường khác phản ứng với cách ứng xử không kịp thời, thiếu nhân văn của trường THPT Phan Đình Phùng. Họ cho rằng, vì sợ làm xấu đi hình ảnh của nhà trường nên Ban giám hiệu nhà trường đã muốn “bưng bít”, coi như không có vụ việc này.

Chị Đỗ Thị Việt Nga (giáo viên trường Tiểu học Trưng Trắc, Hà Nội) cho biết: Việc học sinh bị tai nạn ở trường là điều đáng tiếc, không ai muốn. Tuy nhiên, trong đó, chắc chắn có trách nhiệm của giáo viên. Việc học sinh bị thương, ảnh hưởng đến sức khỏe thì chắc chắn người gây ra phải xin lỗi, bồi thường và chịu hình thức kỷ luật. Nạn nhân bức xúc khi nhà trường “im lặng” là điều dễ hiểu. Sự vô tâm của nhà trường chắc chắn phải bị lên án”.

Theo chị Việt Nga, cách giải quyết thiếu nhân văn luôn mang lại hiệu ứng ngược. “Điều quan trọng mà xã hội rất cần đó là sự chân thành, trung thực. Biết nhận ra cái sai, biết ăn năn, hối hận với những việc ảnh hưởng không tốt cho người khác thì chẳng có ai phải ức chế, bức xúc. Văn hóa ứng xử, đó là điều đang thiếu với không ít người giữ vai trò quản lý, lãnh đạo”, chị Việt Nga nhấn mạnh.

TS giáo dục Vũ Thu Hương: Văn hóa nhận lỗi của người Việt còn rất kém.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. giáo dục Vũ Thu Hương (trường ĐHSP Hà Nội) cho biết: Cách xử lý, giải quyết không kịp thời, thiếu công bằng đương nhiên sẽ gây sự bức xúc không chỉ với nạn nhân mà với toàn xã hội. “Về cách xử lý, rõ ràng nhà trường đã làm không tốt. Do sợ ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà trường nên xử lý vụ việc không triệt để. Dù học sinh gây ra cháy nổ có vô tình hay hữu ý thì các hình thức kỉ luật vẫn là cần thiết. Điều này đảm bảo cho nội quy nhà trường được nghiêm minh và công bằng giữa mọi học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng cần nghiêm túc kiểm điểm lại các khâu quản lý học sinh, giáo dục ý thức tuân thủ nội quy của học sinh. Rõ ràng các khâu này của trường chưa được thực hiện nghiêm túc”.

Là chuyên gia dạy kỹ năng sống cho trẻ em, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, việc trẻ bị tai nạn đôi khi không tránh khỏi. Tuy nhiên,  quan trọng nhất là cách xử lý “hợp tình, hợp lý” của người quản lý và giáo viên. “Trung tâm dạy kỹ năng sống của chúng tôi tự hào là rất ít khi xảy ra những vụ tai nạn như vậy, nhưng cũng đã có lần các cháu bị đau do đùa nghịch quá đà. Ngay lập tức, chúng tôi đưa trẻ đi bệnh viện. Khi trả trẻ, chúng tôi báo ngay để các cha mẹ biết và theo dõi. Trung tâm cũng ngay lập tức gửi lời xin lỗi đến gia đình và phối hợp cùng gia đình giải quyết. Sau đó, trong quá trình phục hồi của trẻ, chúng tôi liên tục hỏi thăm để sẵn sàng trợ giúp gia đình nếu cần”.

TS. Vũ Thu Hương cũng nhấn mạnh, tai nạn thì cũng đã xảy ra rồi, chỉ cần chúng ta biết nhận trách nhiệm, nhận lỗi thì nạn nhân sẽ cảm thấy được an ủi. Ngược lại, nạn nhân sẽ vừa phải chịu đựng vết thương thể xác, vừa phải “gánh” thêm nỗi đau tinh thần. Tất cả cũng là do văn hóa nhận lỗi của người Việt còn rất kém. Nếu giáo viên không biết nhận lỗi, trốn tránh trách nhiệm thì không thể dạy học sinh những điều này.

Ngày 5/1/2017, trong giờ thực hành của lớp 12A2 đã xảy ra vu tai nạn học đường do một số bạn nam trong lớp nghịch bằng việc đốt cồn ở cuối giờ thực hành khiến nữ sinh Diệp Anh bị bỏng cấp độ 3. Với cấp độ bỏng này, lớp tế bào đáy bị phá huỷ, gây hoại tử da diện rộng). Điều khiến Diệp Anh và gia đình bức xúc là cả 1 tháng phải chịu những cơn đau đớn hành hạ, từ cổ đến vai, bụng, tay loang lổ những vết sẹo thì suốt thời gian đó “chẳng có một cuộc họp kỷ luật nghiêm túc nào diễn ra”. Thậm chí, nhà trường định cho qua việc này nếu như không có sự lên tiếng của nạn nhân.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm