pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vụ Phó Chánh án nhận hối lộ tình lẫn tiền, cách đánh giá và bàn luận
Ảnh minh họa
Phóng viên (PV): Thưa luật sư Hoàng Thị Kim Nhung, việc ông Châu Văn Mỹ, Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu bị bắt quả tang nhận hối lộ tình và tiền, chị có thể đánh giá và bàn luận thế nào về tội danh này?
Luật sư Hoàng Thị Kim Nhung, Đoàn Luật sư TPHCM, Phó Giám đốc Công ty Luật Hoa Sen: Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 ("Bộ luật hình sự") thì người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sẽ bị xử lý hình sự về Tội nhận hối lộ.
"a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất".
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Trong vụ việc trên, ông Châu Văn Mỹ là thẩm phán chủ tọa của phiên tòa phúc thẩm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của bản thân để nhận phần lợi ích từ bà D.H.T (45 tuổi, ngụ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, là bị cáo trong một vụ án Trộm cắp tài sản) khi bà T. nhờ ông Mỹ "chạy án" cho bà được hưởng án treo. Cụ thể, bà T. và ông Mỹ thỏa thuận là bà T. chi 100 triệu đồng và quan hệ tình dục với ông Mỹ.
Đây là trường hợp ngoài hành vi nhận hối lộ bằng tiền, thì còn xuất hiện thoả thuận hối lộ bằng hành vi quan hệ tình dục, tức là các bên đã thoả thuận với nhau để nhận hoặc sẽ nhận một lợi ích phi vật chất. Trong quá trình điều tra, dựa vào hồ sơ vụ án, khi có đủ căn cứ theo quy định pháp luật, thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết đinh khởi tố về hành vi nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung đối với hành vi của ông Châu Văn Mỹ. Trong trường hợp có đủ căn cứ ông Mỹ có hành vi nhận hối lộ về tiền và cả nhận hối lộ về tình dục, thì đây sẽ là sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình phạt và sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc.
PV: Có ý kiến cho rằng, ông Phó Chánh án đã cưỡng dâm nữ bị cáo. Việc này được nhìn nhận dưới góc độ pháp luật ra sao?
Luật sư Hoàng Thị Kim Nhung: Điều 143 Bộ luật hình sự quy định: "Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác..." thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng dâm.
Để làm rõ Tội nhận hối lộ và Tội cưỡng dâm trong vụ việc này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ yếu tố về mặt tâm lý, chị T. có đang trong trường hợp lệ thuộc hoặc là người ở tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với ông Mỹ hay không? Ngoài ra, đây là vấn đề mới, có tính chất khoa học nên cơ quan điều tra sẽ thận trọng thu thập các tài liệu chứng cứ và nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Cần lưu ý thêm: Hành vi đe dọa ở tội cưỡng dâm chưa đến mức làm người bị đe dọa tê liệt ý chí, không dám kháng cự như ở tội hiếp dâm. Người bị đe dọa chỉ bị khống chế tư tưởng; họ vẫn có khả năng phản kháng nhưng đã (miễn cưỡng) chịu giao cấu hoặc chịu thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Ở đây chưa rõ câu chuyện nếu ngay từ ban đầu chị T. đã liên hệ để "chạy án" với ông Mỹ, thì thoả thuận đưa và nhận hối lộ về tình dục này do ai đề xuất? Nếu tại thời điểm thoả thuận chị T. chỉ đề xuất đưa tiền, nhưng ông Mỹ lại yêu cầu thêm việc phải quan hệ tình dục, thì phải chăng do chị T. đang ở trong tình trạng quẫn bách nên phải thực hiện theo lời đề nghị của ông Mỹ, mặc dù chị T. không muốn?
Do vậy theo tôi, trong vụ án này cần thu thập các bằng chứng, để làm rõ về yếu tố tâm lý, ý thức của chị T. Nếu có căn cứ cho rằng chị T. không tự nguyện quan hệ hoặc sẽ quan hệ tình dục với ông Mỹ thì hành vi trên có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng dâm.
Ngược lại nếu có các căn cứ về mặt ý thức chị T. đồng ý với ông Mỹ về hành vi sẽ quan hệ tình dục với ông Mỹ để hối lộ tình dục, thì hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ đối với ông Mỹ, và tội đưa hối lộ đối với chị T.
Trong trường hợp quan hệ tình dục chưa diễn ra, nhưng các hành vi đã thoả mãn dấu hiệu cấu thành của tội nhận hối lộ hoặc tối cưỡng dâm thì vẫn xử lý về các tội danh này, nhưng được áp dụng tình tiết phạm tội chưa đạt.
PV: Như vậy, nếu ông Phó Chánh án kia bị kết tội "ăn hối lộ" tình, thì nữ bị cáo có lẽ đối mặt với tội danh đưa hối lộ tình, logic này nên bàn luận ra sao?
Luật sư Hoàng Thị Kim Nhung: Theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự: "người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào theo quy định để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị xử lý về hành vi đưa hối lộ".
Người thực hiện hành vi đưa hối lộ sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc, hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù. Với số tiền đưa hối lộ từ 100.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi đưa hối lộ sẽ phải chịu mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Tại khoản 7, Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
- Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
- Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Với điều luật này, người đưa hối lộ sẽ được chia làm 2 trường hợp:
1. Nếu người đưa hối lộ trong trạng thái bị người nhận hối lộ ép buộc, tức là bị đe dọa về tinh thần, thể chất, khiến cho người đưa hối lộ miễn cưỡng, bắt buộc phải đưa hối lộ. Trường hợp này người đưa hối lộ được xác định là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.
2. Nếu người đưa hối lộ chủ động, không bị ép buộc để đưa hối lộ, về ý thức chủ quan đây là hành động có tính toán, chủ động tiếp cận, chủ động thực hiện hành vi tội phạm và mong muốn thực hiện hành vi đưa hối lộ. Nên trường hợp này họ chỉ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản dùng đưa hối lộ.
Trong vụ việc nêu trên, pháp luật có quy định trong một số trường hợp người đưa hối lộ sẽ được coi là không có tội nếu có căn cứ chị T. bị ông Mỹ ép buộc để đưa hối lộ nhưng chị T. đã chủ động khai báo. Hoặc cụ thể hơn chị T. sẽ chịu trách nhiệm với hành vi chủ động đưa hối lộ về tiền, nhưng không có tội hành vi hối lộ tình dục nếu như bị ông Mỹ ép buộc. Còn nếu trường hợp chị T. chủ động để đưa hối lộ cho ông Mỹ nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì hành vi này vẫn bị coi là có tội hối lộ, trường hợp này chị T. có thể chỉ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
PV: Luật sư có các quan điểm khác xoay quanh sự việc này nữa hay không?
Luật sư Hoàng Thị Kim Nhung: Trong vụ việc này, bên cạnh việc điều tra về tội Nhận hối lộ (hành vi đã rõ ràng) thì cơ quan tiến hành tố tụng cần xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ việc Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu có phạm tội Cưỡng dâm theo quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự, bà T. có phạm tội Đưa hối lộ quy định tại điều 364 Bộ luật Hình sự để xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.
Đây là vụ án có tính chất và tình tiết rất mới, được dư luận quan tâm, do đó cần được xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật về hành vi hối lộ tình dục, nếu như có đủ căn cứ chứng minh. Và cần nghiên cứu một cách khoa học, khách quan, toàn diện các chứng cứ để có thể xử lý đúng người đúng tội, làm gương cho người khác và tránh gây bức xúc trong xã hội.