pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vũ Thắng Lợi: "Những lúc tiền hết, không có gì ăn, tôi về nhà trọ nằm khóc một mình"
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi
Kiên định với con đường, phong cách đã chọn
+ 3 năm sau liveshow "Khát vọng", Vũ Thắng Lợi mới ra mắt album. Vẫn giữ tên "Khát vọng", phải chăng anh muốn gửi gắm nhiều điều?
Đúng là Vũ Thắng Lợi có nhiều khát vọng. Với tôi, ca hát vừa là khát vọng, vừa là đam mê cống hiến, mang tiếng hát của mình đi khắp các vùng miền Tổ quốc, đến với bộ đội và đồng bào ở biên cương hay hải đảo xa xôi. Dù ở đâu, tôi cũng có khát vọng được thể hiện tài năng của mình để phục vụ mọi đối tượng công chúng và được công chúng yêu mến.
Tôi chỉ sợ một ngày nào đó mình không còn hát được như bây giờ, bởi sự khắc nghiệt của nghề, của môi trường âm nhạc làm nghệ sĩ đôi lúc bị tủi thân, sợ bị lãng quên. Điều đó càng thôi thúc tôi làm nhiều hơn cho âm nhạc khi còn có thể.
Bất cứ ca sĩ nào ra mắt album cũng kỳ vọng giọng hát của mình tới được với nhiều khán giả. Nhưng tôi còn có khát vọng lớn hơn chính là mang tâm thế của một người trẻ, cách cảm nhận của một nghệ sĩ trẻ với dòng nhạc đỏ, chạm tới cảm xúc của người nghe.
+ Chứ không phải khát vọng nổi tiếng như các ca sĩ đàn anh, đàn chị cùng dòng nhạc mà Vũ Thắng Lợi đang theo đuổi?
Mỗi người có sự cảm nhận riêng về nghệ thuật và mỗi ca sĩ thể hiện cũng có nét riêng. Tôi không so sánh với các nghệ sĩ khác bởi mỗi người có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả. Tôi luôn kiên định với con đường, phong cách mình đã chọn và cố gắng học hỏi, luyện tập, làm việc để có những sản phẩm âm nhạc chất lượng.
Tôi tự hào với những sản phẩm của mình như album Tình ca, liveshow Khát vọng, album Khát vọng và cả những sản phẩm sắp tới... Tất cả đều được tôi dồn tâm huyết, thời gian và công sức. Cùng với đó là một ê-kíp nghệ sĩ là nhạc sĩ, nhạc công... đồng điệu tới tôi về con đường cống hiến cho âm nhạc.
+ Còn việc làm mới mình ở dòng nhạc khác, hay làm mới nhạc đỏ thì sao?
Quan điểm của tôi là hát nhạc gì cũng thế thôi, quan trọng là mình giữ cái chất, cái phong độ của mình được bao lâu và ra sản phẩm chất lượng như thế nào. Tôi thấy nhiều bạn trẻ hát mãi dòng nhạc của mình rồi cũng đi sang nhạc đỏ để trải nghiệm nhưng không hát được nên lại phải quay về với những gì mà họ quen thuộc. Tôi tự thấy mình đang đi đúng hướng nên cứ cố gắng làm tốt nhất đã. Có thể sau này, tôi sẽ có những sân chơi, khoảng trời khác nhưng trước mắt phải làm tốt cài mình đang làm.
Có thể nhiều người, nhạc đỏ là không gian âm nhạc cũ, ca khúc cũ nhưng với tôi đó là một kho tàng âm nhạc rất giá trị của nước nhà. Các thế hệ cha chú đã thể hiện rất thành công, vậy thế hệ mình sẽ tiếp tục phát huy, lan tỏa đến công chúng ngày hôm nay. Đó chính là những giá trị vĩnh cửu của âm nhạc Việt Nam. Mọi con đường thì mình vẫn phải tuân thủ theo học thuật nhưng mình sẽ phải thay đổi cách hát, sự cảm nhận của mình với ca khúc.
Tự hào với danh hiệu nghệ sĩ-chiến sĩ
+ Môi trường quân đội có thuận lợi và trở ngại gì khi Vũ Thắng Lợi muốn vươn ra ngoài thị trường để đưa giọng hát đến với đông đảo công chúng?
Đến nay tôi đã có 15 năm phục vụ trong quân đội, khoảng thời gian đó chưa phải là dài so với nhiều người nhưng cũng là ngưỡng mình có thể đủ chiêm nghiệm để cảm nhận sâu sắc những chuyến đi, vai trò, sứ mệnh của người nghệ sĩ-chiến sĩ. Danh hiệu nghệ sĩ-chiến sĩ luôn là niềm tự hào đối với tôi, đó cũng chính là mục tiêu mà tôi luôn dành sự nhiệt huyết để cống hiến.
Tôi luôn biết ơn đời sống của người lính, bởi cũng chính dòng nhạc đỏ đều xuất phát từ quân đội, những ca khúc, bài ca đi cùng năm tháng hầu hết nảy nở từ tâm tư, tình cảm, sức chiến đấu của những người lính Cụ Hồ. Biểu diễn ở những vùng biên cương, hải đảo, đặc biệt là lên tàu đi cùng các chiến sĩ lênh đênh trên biển 15-20 ngày... những trải nghiệm như thế giúp tôi thể hiện bài hát xúc cảm và lắng sâu hơn.
Không có trở ngại nào với tôi bởi các lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn trân trọng người tài, và hết sức tạo điều kiện cho chúng tôi được góp phần lan toả trên những sân khấu nghệ thuật ngoài nhiệm vụ, kế hoạch phục vụ biểu diễn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
+ Anh có gặp khó khăn trên con đường khẳng định tên tuổi?
Hồi mới ra trường, lương của tôi rất thấp, thi Sao Mai mấy lần liền đều không được. Có những lúc tiền hết, không có gì ăn, tôi về nhà trọ nằm khóc một mình, thấy cuộc sống thật bế tắc. Bố mẹ cũng nhiều lần hỏi tôi, sao không về quê, có nhà có cửa lại gần bố mẹ không phải lo lắng gì.
Nhưng bản thân tôi không muốn an phận, không muốn dậm chân tại chỗ. Tôi luôn muốn vươn lên để khẳng định khả năng của mình, khát vọng được thể hiện tối đa giọng hát của mình, xem khả năng của mình đi đến đâu. Chính những cảm xúc đó đã thôi thúc tôi quyết tâm bám trụ, phải học hỏi thêm nữa, phải vận động nhiều hơn nữa và phải làm tất cả mọi thứ để khẳng định con đường mình đi là đúng.
Sau khi tốt nghiệp, đi làm khoảng 2 năm, tôi lại tiếp tục đăng ký thi Sao Mai 2011. Về Nghệ An thi bị loại, tôi không nản mà tiếp tục vào Quảng Ngãi thi và đậu. Sau đó tôi đoạt giải Nhất khu vực và cuối cùng là Nhì toàn quốc. Đoạt giải, tôi nghĩ mình như đang ở một vị trí gì đó ghê gớm lắm nhưng rồi tôi nhận ra không phải vậy. Tôi là người mới, chưa có tiếng nói và tôi biết rằng, không phải cứ khoác thêm tấm áo giải thưởng thì mình có thể thoải mái kiếm tiền. Quan trọng nhất là tôi phải tìm được "chất" của riêng mình.
+ Sau "Khát vọng", dự định mới của Vũ Thắng Lợi là gì?
Hiện tôi đang cùng ê kíp nhạc sĩ Hồng Kiên, ban nhạc Anh Em thực hiện sản phẩm âm nhạc về Hà Nội để kịp ra mắt khán giả yêu nhạc vào đúng dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10 tới. Đây cũng được coi là dự án âm nhạc tri ân với Hà Nội, nơi đã chắp cánh ước mơ nghệ thuật cho Vũ Thắng Lợi, nơi tôi được thoả sức thể hiện khát vọng, thể hiện khả năng ca hát của mình và đến nay gặt hái được ít nhiều thành công từ sự ủng hộ, mến mộ của đông đảo công chúng.