Có bầu lần 2 khi bé lớn được 10 tháng và vẫn đang bú mẹ, nhưng chị Đỗ Lan Anh, 32 tuổi (Hải Phòng) thay vì cai sữa như nhiều người vẫn làm, đã quyết định nuôi con bú song song (đang mang bầu vẫn tiếp tục cho con gái lớn bú mẹ).
Mặc dù gặp phải sự phản đối của nhiều người xung quanh vì cho rằng, khi người mẹ mang bầu mà cho con bú sẽ dễ gây co thắt tử cung, gây sảy thai, sinh non, nhưng chị Lan Anh đã chứng minh lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng khi hạ sinh em bé thứ 2 đủ ngày tháng với cân nặng 3,4kg.
Trước khi đưa ra quyết định nuôi con bằng sữa mẹ, chị đã tìm hiểu rất nhiều kiến thức, tài liệu về phương pháp nuôi bú song song này.
“Mình đã đọc rất nhiều tài liệu và hiểu rằng, em bé trong bụng là một cá thể hoàn toàn độc lập, tuân theo quy luật phát triển hoặc đào thải của tự nhiên. Việc sảy thai hoặc sinh non không do mẹ và càng không phải do em bé lớn bú mẹ. Mình càng đọc, càng tìm hiểu thì càng tự tin để làm những điều tốt nhất cho con”, chị Lan Anh chia sẻ.
Chị cũng cho biết, chính nhờ việc nuôi - bú song song nên lần sinh thứ 2, chị đã không còn phải đối mặt với vấn đề căng sữa sinh lý sau sinh. Và quan trọng hơn cả là duy trì nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ cho bé lớn.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Quốc Oai, Hà Nội) cũng nuôi - bú song song dù gặp một số khó khăn vào giai đoạn đầu của thai kỳ. Khi ấy, hormone thay đổi, chị cho bé lớn bú và cảm thấy hơi đau rát đầu ti. Mấy tháng đầu thai kỳ, chị cũng bị nghén nên việc nuôi - bú song song hơi vất vả chút.
Tuy nhiên, chị cũng cho biết việc nuôi - bú song song gắn kết 3 mẹ con và cả hai chị em hơn. Bé lớn không trải qua cảm giác “sốc” khi có em. Trái lại, còn rất người lớn, biết nhường nhịn em.
Cần chú ý nhu cầu dinh dưỡng
Chia sẻ về nguy cơ sảy thai khi nuôi - bú song song, Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: Khi em bé bắt đầu hút và kéo núm vú vào miệng, oxytocin cơ thể mẹ được giải phóng, làm co bóp các cơ quanh nang, đẩy sữa ra khỏi nang, đi vào các ống dẫn sữa và di chuyển tới núm vú rồi vào miệng bé.
Hormone này làm co cơ tử cung trong và sau khi sinh, giúp cơ quan này thu nhỏ lại về kích thước ban đầu, hạn chế xuất huyết sau sinh. Nhưng với hầu hết phụ nữ, các cơn co thắt này thường không gây ra bất cứ vấn đề gì. Chỉ những phụ nữ có tiền sử chuyển dạ sớm hay sảy thai hoặc tăng cân ít trong suốt thời kỳ mang thai hay từng bị chảy máu mới nên cân nhắc việc có cho bé lớn bú tiếp hay không.
Khi cho con bú mà người mẹ có thai vẫn nên tiếp tục cho con bú, thậm chí một số bà mẹ vẫn cho con bú đến khi sinh trẻ thứ hai (cho con bú song song). Người mẹ cần phải ăn uống nhiều hơn, tốt hơn vì phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mẹ, cho con và cho thai nhi.
Khi thai được 5-6 tháng (quý 2 của thai kỳ), tuyến vú bắt đầu tạo sữa non. Trẻ được bú mẹ sẽ bú sữa non, mẹ không nên lo lắng rằng nguồn sữa non có thể bị cạn, bởi vì cơ thể mẹ sẽ tiếp tục tiết ra loại sữa non cho đến khi em bé ở trong bụng mẹ chào đời.
Đặc biệt, việc mang thai khiến người mẹ mệt mỏi, nhất là giai đoạn nghén, thay đổi hormone, ăn uống kém có thể dẫn đến mất sữa mà nếu chưa mất thì đôi khi cũng phải cai sữa (cần tư vấn của bác sỹ sản khoa khi khám thai) vì động tác cho con bú sẽ tạo ra các kích thích, làm co bóp tử cung dẫn đến nguy cơ sảy thai.
Do đó, để an toàn cho thai kỳ, trước khi quyết định nuôi - bú song song, thai phụ cần nên tham khảo và tư vấn của bác sỹ chuyên khoa.