Vùng đất đêm ngày múa chày đôi

31/03/2016 - 00:00
Sống trên đỉnh phía Tây của dãy Trường Sơn hùng vĩ, bà con người Arem, người Ma coong đến giờ vẫn duy trì nếp sinh hoạt từ thuở hồng hoang. Lúa tuốt bằng tay, giã gạo, dần, sàng.
Vượt qua danh thắng động Phong Nha lộng lẫy, theo tuyến đường 20 lịch sử, xuyên qua vùng lõi của vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng mới chạm đất của tộc người Arem, Macoong. Hai tộc người này hiện có dân số khoảng vài nghìn người, sống ở 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Họ sống bằng nghề nông nghiệp và vào rừng săn bắn. Bao năm sống bên rừng già, đến giờ mọi nếp sinh hoạt của họ, từ cái ăn cái uống đến quan niệm về cuộc sống, vẫn đậm chất sơ khai. 
Người Macoong thu hoạch lúa nương, không dùng liềm cắt lúa mà dùng tay vuốt từng bông lúa rồi cho thóc vào gùi. Mỗi ngày một phụ nữ tuốt được khoảng 1 tạ thóc.
Phụ nữ người Macoong có nước da màu đồng hun. Họ lên nương, lên rẫy thường ít khi đội nón. Công việc vất vả là vậy, song dường như họ không thích đưa công nghệ vào thu hoạch, mặc dù đường bê tông đã được làm đến tận bản.
Thóc được gùi về nhà. Để có gạo ăn, những phụ nữ và trẻ em người Arem, người Macoong còng lưng giã gạo. 
Sống ở trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Arem thích ăn gạo giã hơn là gạo xát bằng máy mang từ dưới xuôi lên. Những chiếc cối được làm bằng gỗ, chày cũng bằng gỗ. 
Công việc tuy vất vả, nhưng phụ nữ nơi đây lại lấy làm thích thú khi được đứng bên hiên nhà giã gạo. Có thóc gạo là sự sống được đảm bảo. Ước mơ bao đời nay của họ vẫn chỉ là cơm no, áo ấm.
Cuộc sống của tộc người Arem ở xã Tân Trạch trông cả vào nông nghiệp. Họ trồng cấy được gì ăn nấy. Những năm mất mùa, nhà nước phải phát gạo cứu đói. Sau nhiều năm kiên trì vận động, Biên phòng tỉnh Quảng Bình mới đưa được những công dân này rời rừng, xuống vùng thấp định canh định cư.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm