pnvnonline@phunuvietnam.vn
WHO kêu gọi hoãn tiêm mũi bổ sung vaccine phòng Covid-19 trong 2 tháng
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giớ Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước phát triển tạm hoãn kế hoạch tiêm mũi bổ sung vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Reuters
Vào ngày 23/8/2021, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã kêu gọi tạm hoãn 2 tháng đối với kế hoạch tiêm mũi bổ sung vaccine Covid-19 ở các nước phát triển. Đây được xem như một biện pháp giúp giảm tình trạng phân bổ vaccine không đồng đều trên toàn cầu và ngăn chặn xuất hiện các biến thể virus corona mới.
Phát biểu tại thủ đô Budapest của Hungary ngày 23/8, ông Tedros cho biết, ông thật sự thất vọng với phạm vi tài trợ vaccine trên toàn thế giới khi nhiều quốc gia phải "vật lộn" để tiêm mũi đầu tiên và mũi thứ hai cho một phần nhỏ dân số của họ. Trong khi đó, các quốc gia giàu có và phát triển lại đang dự trữ lượng vaccine ngày càng tăng.
Ông Tedros kêu gọi các quốc gia đang có kế hoạch tiêm mũi thứ 3 hãy chia sẻ những gì họ có thể để hỗ trợ các nước nghèo trong công cuộc tiêm mũi thứ nhất và thứ hai cho người dân. Một số quốc gia như Mỹ, Israel, Hungary, cũng như những quốc gia khác ở châu Âu, Trung Đông và châu Á đã lên kế hoạch tiêm mũi bổ sung cho người dân.
Vào đầu tháng 8, Hungary là quốc gia đầu tiên trong số 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cho phép người dân đăng ký tiêm mũi thứ 3 vaccine phòng Covid-19. Tính đến hiện nay, hơn 187.000 người đã được tiêm mũi bổ sung, theo dữ liệu thống kê từ chính phủ.
Tuần trước, các quan chức Mỹ đã công bố kế hoạch tiêm mũi bổ sung cho tất cả người dân. Đây là một phần trong nỗ lực chống lại sự gia tăng các trường hợp dương tính mới do biến thể Delta và hiệu quả miễn dịch của 2 mũi tiêm đầu dần giảm sút.
Tuy nhiên, các quan chức y tế của của Liên Hiệp quốc đã kêu gọi các nước giàu hãy hỗ trợ nhiều hơn nữa để giúp tăng tỷ lệ tiếp cận vaccine ở các nước đang phát triển. Ông Tedros cho biết, 75% trong số 4,8 tỷ liều vaccine của chiến dịch hỗ trợ vaccine toàn cầu chỉ đến được 10 quốc gia. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine ở châu Phi hiện đang ở mức dưới 2%.
"Sự phân bố không đều về vaccine làm tăng nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm và dễ lây lan hơn", ông Tedros cho biết.
"Virus sẽ có cơ hội xuất hiện và lây lan ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp. Ngoài ra, biến thể delta có thể trở nên nguy hại hơn và đồng thời xuất hiện nhiều biến chủng nguy hiểm tại các quốc gia này", ông Tedros giải thích.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary, ông Peter Szijjarto phát biểu tại cuộc họp báo, cho biết quốc gia này đang dự trữ 8 triệu liều vaccine Covid-19 và đã viện trợ hơn 1,5 triệu liều cho các nước khác.
Tổng giám đốc WHO đã gửi lời cảm ơn đến Hungary vì những đóng góp trên. Tuy nhiên, ông cũng mong cả Hungary và các quốc gia phát triển khác có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa vì sẽ "không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn".