Xa ngái rồi mùi rơm thơm nồng mùa gặt

07/06/2021 10:46
Trẻ em vui đùa trên cánh đồng mùa gặt. Ảnh minh họa

Trẻ em vui đùa trên cánh đồng mùa gặt. Ảnh minh họa

"Một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm...". Rơm rạ là một phần tuổi thơ của chúng tôi, nó theo chúng tôi từ ngoài đồng, qua nhưng đường làng, ngõ xóm, về sân rồi vào đến bếp.

Ngày mùa, rơm phơi ra sân, ngoài ngõ, đường làng, rồi sân kho, sân đình... Để trở cho rơm khô đều, phải dùng cây gẩy rơm, có hai hoặc ba càng sắt gắn vào chiếc càn như cán cuốc để gẩy. Rơm khô được đánh đống cho vào nơi chứa rơm, hoặc đánh thành những cây rơm cao mấy mét.

Cây rơm, là rơm được chất quanh chiếc cột tre chôn xuống đất, chất rơm xung quanh nèn chặt xuống. Một người bo tay vào chiếc cột đi quanh, dùng chân giẫm chặt rơm xuống, một hay hai người ở dưới hất rơm lên, cào những chỗ rơm nén xuống rơi ra rìa, rồi lại hất lên. Cứ thế cho đến khi thành một cây rơm to, nhỏ tùy vào mỗi nhà.

Xa ngái rồi mùi rơm thơm nồng mùa gặt - Ảnh 1.

Trẻ em chơi trò đánh trận giả bên cây rơm

Vụ gặt, chỗ nào trong làng cũng ngập trong rơm rạ. Chúng tôi như bơi trong biển rơm, trong cái mùi rơm mới thơm nồng, mà quêm cái rặm, ngứa đang vấy lên người mình. Vào những đêm trăng sáng, "chiến trận" của chúng tôi luôn diễn ra trên những thảm rơm, những ngọn núi, quả đồi, ụ pháo, hầm hào... được tạo nên từ rơm để ngụy trang. Để rồi về khuya, trước khi đi ngủ phải ra giếng múc mấy gầu nước lên tắm thật sạch, không thì ngứa không thể ngủ nổi.

Rơm còn gắn bó với chúng tôi trong mỗi buổi nấu cơm. Ngày ấy bếp gas chưa phổ biến, và không phải nhà ai cũng có điều kiện mua củi, hay dầu hỏa về đun nên rơm là một lựa trọn hoàn hảo. Mà cũng phải đun nấu tiết kiệm, vì có nhà rơm còn phải để làm thức ăn cho trâu bò, hay sử dụng vào những việc khác.

Nấu cơm bằng bếp rơm không hề dễ, đun lửa đến đâu thì kéo rơm từ một đống bên cạnh cho vào bếp đến đó. Khi nấu không thể thiếu một chiếc que bời bếp, một tay khéo rơm, tay kia cầm chiếc que đẩy vào cửa bếp, lượng rơm nhiều ít, tùy thuộc vào sự sôi, nóng của thức ăn nấu trên nồi.

Xa ngái rồi mùi rơm thơm nồng mùa gặt - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Khó nhất là khi cơm sôi, cạn nước, phải đốt, vần than rơm sao cho cơm chín đều, không bị sống, không bị cháy hay khê. Nấu bếp rơm không thể tránh khỏi bụi bay mù bếp, vì tro rơm rất nhẹ, chỉ cần một chút gió là bụi bay cả lên. Vì thế nên nấu bếp rơm phải hạn chế tối đa mở vung.

Chiều qua tôi có việc nên hai vợ chồng đi xe máy về quê, đi tắt qua đường đồng về chứ không đi đường lớn như mọi khi. Cảnh đồng đang mùa gặt, trời oi nóng, lặng gió. Vậy mà cánh đồng mù mịt như có một lớp sương đặc quánh.

Đó là khói bốc lên từ những đống rơm đang đốt giở khắp cánh đồng. Bây giờ người ta thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn, nên rơm được phụt ra ngay tại ruộng.

Rơm không còn được lấy để làm chất đốt, hay thức ăn cho trâu bò, trâu bò nữa, vì trâu bò giờ chủ yếu được cho ăn bằng tinh bột, rau cỏ, hoặc thức ăn công nghiệp dành riêng. Hơn nữa giờ người ta nuôi trâu để lấy thịt, chứ không mấy người còn nuôi để làm sức khéo.

Xa ngái rồi mùi rơm thơm nồng mùa gặt - Ảnh 3.

Rơm để khô trên ruộng, đành đống lại và đốt đi để lấy tro quải luôn lên ruộng. Nên mùa gặt giờ cũng là "mùa khói", nhất là vào những buổi chiều. Khói không chỉ mù mịt cảnh đồng, khói còn bay vào làng, làm cho người già, trẻ nhỏ rất khó chịu. Làng xóm giờ bê tông hóa, không khí càng trở nên ngột ngạt, không khác mấy ở các đô thị.

Tôi bần thần đứng nhìn những xe lúa được kéo về làng nhưng không hề vương theo một cọng rơm nào. Đó là những bao lúa được trở trên những xe cơ giớ, hay kéo bằng "xe máy lôi", và chỉ việc tãi ra phơi.

Hạt lúa đã về nhà, rơm rạ ở lại ruộng, tiếp tục cuộc tuần hoàn của mình cùng đồng đất. Chỉ có những đụn khói bay lên, mùa gặt nắng nóng lại càng thêm nóng hơn. Sẽ khó có thể được nhìn thấy cây rơm sau bếp nhà ai, hay ai ngồi bếp đun một siêu nước bằng bếp rơm nữa. Đám trẻ còn đang chơi giở một "trận giả" trên màn hình điện thoại. Tối tôi ngồi xuống thêm nhà, nhớ những "núi đồi, ụ pháo, lô cốt..." bằng rơm trên sân kho những đêm trăng sáng mùa gặt xưa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.