Xâm hại tình dục trẻ em nam: Làm gì để ngăn chặn tội ác?

03/11/2019 - 16:53
Đã đến lúc xã hội, cụ thể hơn là gia đình, nhà trường cần nhìn nhận thấu đáo và cảnh tỉnh hơn đối với nạn xâm hại tình dục trẻ em trai, bởi nguy cơ ngày càng gia tăng và phần lớn đều là những vụ việc nghiêm trọng. Vấn nạn này gây tổn thương tâm lý nặng nề cho chính nạn nhân. Để ngăn chặn tội ác, trước hết phải xuất phát từ việc thay đổi nhận thức của mỗi người dân, trong đó có các bậc phụ huynh.

Pháp luật bảo vệ: Chưa đủ 

Tại Việt Nam, Luật Trẻ em đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần rất lớn trong việc thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em. Luật Trẻ em của Việt Nam dành hẳn một chương riêng (Chương IV) về bảo vệ trẻ em, quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em; cấp độ bảo vệ trẻ em và trách nhiệm thực hiện; việc thành lập và hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế.

 

Ca sĩ Mỹ Linh, diễn viên Xuân Bắc và các em thiếu nhi tham gia truyền thông phòng, chống xâm hại trẻ em
 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015 đã dành 5 điều luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có quy định về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Quốc hội khóa XIV cũng lựa chọn xâm hại trẻ em để giám sát tối cao, cho thấy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, xã hội về vấn nạn đang hoành hành này.

 

Tuy nhiên, với riêng trẻ em nam, vấn đề này vẫn chưa đề cập nhiều, nếu không muốn nói là quá mờ nhạt trong các diễn đàn, chiến dịch truyền thông phòng chống nạn XHTD mà phần lớn tập trung đến đối tượng trẻ em gái. Trao đổi về điều này, bà Phạm Thị Minh Hiền - PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên nhìn nhận, các bé trai dễ rơi vào bẫy của nhiều đối tượng như người đồng tính lệch lạc về tình dục, những phụ nữ lớn tuổi có nhu cầu tình dục cao mà không được đáp ứng, những kẻ ấu dâm... “Yêu râu xanh” còn thường dụ bé trai qua nhiều bước rồi kích động, khơi dậy bản năng tình dục để các em có vẻ như tự nguyện thực hiện các hành vi tình dục.

 

Vấn đề ở chỗ, cơ chế sinh học lâu nay rõ ràng về giới tính, nhưng hành vi này thì mang tính bệnh hoạn, xu hướng tình dục lệch lạc thì khó chấp nhận với nhiều người. “Chúng ta chưa có tài liệu chuyên sâu về XHTD trẻ em nam mà chỉ là đơn thuần với đối tượng chung, hoặc chủ yếu là trẻ em gái. Đây là vấn đề mà các bộ, ngành cần quan tâm hơn, phải có tài liệu trang bị kỹ năng chuyên sâu dành cho trẻ em nam và nữ, phân loại rõ ra nam và nữ như thế nào, đồng thời nhận diện vấn đề một cách rõ ràng mạch lạc thay vì thiếu quan tâm như hiện nay” - bà Minh Hiền phân tích.

 

Cũng theo bà Minh Hiền, để làm tốt việc phòng ngừa XHTD với riêng trẻ em nam, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống mang tính “hệ sinh thái”. Các nhà làm luật cần nhìn nhận thực tế là có hành vi quan hệ tình dục đồng tính để định nghĩa lại hành vi mại dâm, môi giới mại dâm đồng tính cũng như các khái niệm giao cấu; người bị hại không chỉ là trẻ em gái mà còn có cả trẻ em nam. Từ đó mới có cơ sở xử lý tương xứng với hành vi phạm tội, bảo vệ sự phát triển bình thường của trẻ em nam. Bên cạnh đó, cần có sự bổ trợ của nhiều lĩnh vực như y tế, tâm lý học, xã hội học... để đưa ra các vấn đề mang tính hệ thống, có cơ sở khoa học về vấn nạn này.

 

Ảnh minh hoạ

 

Theo đó, cần rà soát, tổng điều tra về dinh dưỡng, y tế, đi tìm nguyên nhân gây nên xu hướng lệch lạc về tình dục. “Đây không chỉ là văn hóa, lối sống mà còn là tác động từ trong dinh dưỡng, ảnh hưởng đến các yếu tố về sinh lý... cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng bộ và sâu sắc về vấn đề này để làm cơ sở cho mọi lĩnh vực khác, từ xây dựng pháp luật đến truyền thông. Nếu khẳng định là mặt bệnh lý thì phải đi tìm nguyên nhân chứ không đơn thuần là điều trị triệu chứng. Y học, tâm lý học vào cuộc, chính sách pháp luật phải đồng bộ, đó chính là hệ thống sinh thái trong công tác phòng ngừa với riêng XHTD trẻ em nam” - bà Hiền nói.

 

Cha mẹ - người bảo vệ đầu tiên cho trẻ 

Thay vì né tránh, cảm thấy khó chấp nhận, hoặc chủ quan, gia đình và các bậc phụ huynh hãy nhận thức đúng đắn và nghiêm túc hơn về nạn XHTD trẻ em nam. Và rõ ràng, hãy khoan nói đến sự vào cuộc của xã hội, cộng đồng, cha mẹ chính là người bảo vệ vòng đầu tiên cho trẻ, ngay từ khi đứa trẻ ra đời. Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, xuất phát từ văn hóa, nề nếp giáo dục trong gia đình nên thực tế cha mẹ chưa có sự quan tâm nhất định đến trẻ em nam. Nhiều vụ việc đã diễn ra cho thấy, nam hay nữ đều nguy cơ như nhau, thậm chí với trẻ nam thì còn diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Người lớn thậm chí còn khó nhận diện về tình trạng XHTD trẻ trai, và khi phát hiện ra rồi thì phần lớn rất bối rối.

 

Mặc dù được trang bị những kỹ năng cần thiết nhưng phản ứng đầu tiên của họ vẫn là sự lúng túng, là bởi họ chưa được trang bị sẵn sàng về mọi mặt trước vấn nạn này, cùng với đó là sự chủ quan. Bà Minh Hiền nhận định: “Cha mẹ phải có nền tảng khoa học về thực trạng XHTD trẻ em nam, chứ không chỉ đơn thuần là yêu thương cảm tính, điều này quyết định đến việc tạo kỹ năng bảo vệ cho trẻ. Cha mẹ là người gần gũi nhất, phải trang bị, bảo vệ con mình ở vòng đầu tiên khi con được sinh ra”.

 

Chia sẻ với nhiều phụ huynh, phần lớn đều đồng tình rằng, quan niệm truyền thống về đàn ông được gắn với sự “mạnh mẽ”, đã là con trai thì cần phải nam tính, kìm nén cảm xúc để bộc lộ cái tôi mạnh mẽ, hết sức tránh ủy mị, điều này cần được xem xét thận trọng trong quá trình giáo dục con phòng ngừa nạn XHTD. Bởi sẽ rất nguy hiểm nếu gắn tư tưởng này với việc một bé trai kể với bố mẹ mình về chuyện mình bị xâm hại tình dục, thậm chí bị kết tội các em rằng vì ít nam tính, yếu đuối nên không thể bảo vệ chính mình. Chị Nguyễn Thị Hà (Q.Ba Đình, Hà Nội) nhìn nhận, đi trong thang máy, một bé trai cũng hoàn toàn có nguy cơ xâm hại như bé gái. Một đứa trẻ trai hoàn toàn phải phòng ngừa các hành vi sờ, mó, xâm hại thân thể trước đối tượng là đàn ông, không khác gì một đứa trẻ gái.

 

“Vẫn còn nhiều người cảm thấy ghê sợ với người đồng tính, hoặc nghĩ rằng đâu đó mới xuất hiện vài kẻ biến thái. Suy nghĩ như vậy, theo tôi là rất chủ quan, xã hội ngày càng nhiều hơn các đối tượng lệch lạc, đồi bại về hành vi tình dục. Đã đến lúc cha mẹ cần nhận thức lại, từ đó có ý thức và phương pháp hướng dẫn con trai về kỹ năng phòng vệ trước cả đối tượng nam, cũng đề ra những quy tắc nhất định đối với trẻ trai chứ không đơn thuần là trẻ gái, có như vậy mới bảo vệ được con mình” - chị Hà chia sẻ.

- “Chúng ta phải bổ sung những thiếu hụt trong văn bản pháp luật như: Khái niệm thế nào là dâm ô trẻ em; xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc và răn đe; bổ sung cơ chế giám sát độc lập, nâng cao vai trò và sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội, tổ chức chuyên môn phi lợi nhuận nhằm đảm bảo tính khách quan và minh bạch trong quá trình thực thi quyền trẻ em và thực thi luật pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi chờ hoàn thiện luật pháp, chúng ta phải bảo vệ trẻ em bằng việc xây dựng các kỹ năng phòng tránh. Chúng ta cần sớm kiện toàn mạng lưới cán bộ công tác xã hội và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng.

- “Sự quan tâm phòng chống xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà thuộc về mọi gia đình, nhà trường và toàn xã hội nói chung trong đó có vai trò của nhân viên tư vấn tâm lý, nhân viên công tác xã hội làm việc trong các phòng tham vấn học đường. Các hoạt động tham vấn tâm lý góp phần đáng kể trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bị xâm hại, tạo ra môi trường học tập, vui chơi lành mạnh tốt nhất cho sự phát triển toàn diện nhân cách ở trẻ”, ThS. Vũ Thị Thanh Nga, Giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm