pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng mô hình phân phối đặc thù cho sản xuất, tiêu dùng vùng hải đảo
Sản phẩm tỏi của bà con nông dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh SCT
Tại Diễn đàn Kinh tế "Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo" diễn ra mới đây, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp và cấp kinh phí xây dựng 02 mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại 02 huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện đảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện đảo.
Địa bàn các huyện đảo vốn gặp không ít khó khăn, trở ngại do giao thông vận tải không thuận tiện, việc giao thương giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các huyện đảo với đất liền, cũng như hàng hoá đưa từ đất liền ra hải đảo còn hạn chế, chịu chi phí logictics cao. Vì vậy, việc hỗ trợ, đẩy mạnh các mô hình kết nối giao thương hàng hoá, xúc tiến thương mại của vùng biển đảo càng trở nên ý nghĩa và cấp thiết.
Nhờ đẩy mạnh các mô hình phân phối đặc thù cho sản xuất và tiêu dùng của huyện đảo đã góp phần thay đổi từng bước hoạt động thương mại khu vực này, theo bà Lê Việt Nga, hiện nay sản phẩm tỏi Lý Sơn cũng như sản phẩm thuỷ sản, hải sản của Côn Đảo đã đến được các hệ thống phân phối lớn cũng như các cửa hàng thực phẩm sạch...
Bên cạnh đó, ở các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với nhiều địa phương tổ chức thành công các sự kiện: Hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ phân phối ổn định tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối như: Hội chợ quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc trưng miền núi tỉnh Quảng Nam; thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai; Hội nghị thương mại kết nối thị trường cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng khu vực. Phối hợp với các địa phương như Quảng Bình, Lai Châu, Sơn La tổ chức các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương vào chuỗi phân phối của các siệu thị lớn trong nước và xuất khẩu.
Những kết quả cụ thể nêu trên là một trong số những điểm nổi bật từ những chính sách hỗ trợ sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015. Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.
Tiếp nối cho giai đoạn 2015-2020, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể của chương trình trong cả giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm…