Thông thường, xe giường nằm là chuyên dành cho các tuyến đường dài, thường chỉ chạy vào ban đêm, nên nếu xảy ra sự cố thì khách nằm trên xe không thể kịp trở tay.
Xe giường nằm thường chỉ chạy vào ban đêm, nên nếu xảy ra sự cố thì khách nằm trên xe không thể kịp trở tay. Ảnh minh họa: shutterstock
Những năm trước, khi loại hình xe giường nằm mới xuất hiện tại Việt Nam, mà một số hãng gọi bằng cái tên “đẹp” là “MobiHome” – nhà di động, lượng hành khách chọn sử dụng loại xe này rất đông. Để mua được vé thường phải đặt trước, giá vé cũng khá cao so với xe ghế ngồi. Nhiều hành khách cho biết, họ cảm thấy rất an tâm khi đi xe giường nằm, bởi toàn bộ là xe mới, các thiết bị an toàn đều rất đảm bảo. Hơn nữa, các nhà xe cũng lựa chọn những tài xế “cứng tay” nhất để chạy xe giường nằm.
Nhưng đó là chuyện của gần chục năm trước. Còn bây giờ, những chiếc xe mới tinh năm nào giờ đã trở nên cũ kỹ; do nhiều hãng không thực hiện tốt việc bảo trì, bảo dưỡng mà chỉ chăm chăm vào “khai thác tối đa” nhằm mục đích lợi nhuận nên nhiều trang thiết bị an toàn đã xuống cấp, hư hỏng. Và cũng bởi xe đã cũ kỹ, nên các hãng xe cũng không còn “cưng nựng” như trước, không cần phải tài xế giỏi, chạy cẩn thận mới được “ôm vô lăng”, mà không ít tài xế mới “ra ràng” cũng được giao xe, miễn là phải chạy thật... nhanh!
Vì thế mà nhiều tai nạn mới xảy ra. Mà tai nạn đã xảy ra, với xe ghế ngồi thì thương vong 1, chứ với xe giường nằm thương vong có thể lên tới 4-5 hoặc gấp 10 lần. Chỉ trong vòng sáu tháng gần đây đã có 12 vụ tai nạn xảy ra đối với xe khách giường nằm, làm chết 9 người và 81 người bị thương, trong đó có 6 vụ tai nạn nghiêm trọng.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải đã có những biện pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động của xe khách giường nằm và xe khách chạy đêm. Tuy nhiên, những quy định này hiện mới đang ở trên... giấy, chưa biết sẽ được thực thi ra sao. Và vì thế, hành khách vẫn chưa thôi lo sợ.