pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thay đổi lối sống có thể phòng được bệnh xơ vữa động mạch vành vốn cực kỳ nguy hiểm
- 1. Xơ vữa động mạch vành là gì?
- 2. Dấu hiệu
- 3. Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch vành là gì?
- 4. Chẩn đoán
- 5. Các phương pháp điều trị xơ vữa động mạch vành là gì?
- 6. Biến chứng của xơ vữa động mạch vành là gì?
- 7. Phòng tránh
- 8. Chế độ dinh dưỡng
- 9. Các câu hỏi thường gặp
- 10. Một số hình ảnh về xơ vữa động mạch vành
1. Xơ vữa động mạch vành là gì?
Xơ vữa động mạch là tình trạng các chất béo lắng đọng lại dọc thành mạch, tạo thành những mảng cứng, thu hẹp hoặc làm tắc nghẽn động mạch.
Động mạch vành là các mạch máu có nhiệm vụ nuôi dưỡng cơ tim. Khi xơ vữa ảnh hưởng tới động mạch vành thì tim không được nhận đủ máu giàu oxy, có thể dẫn tới thiếu máu cục bộ, thậm chí là nhồi máu cơ tim.
Chính vì vậy, xơ vữa động mạch vành được xếp vào một trong những loại bệnh tim rất nguy hiểm.
2. Dấu hiệu
- Đau thắt ngực: Là triệu chứng phổ biến nhất của xơ vữa động mạch vành. Bệnh nhân cảm thấy tim như bị đè nén, bóp chặt. Các cơn đau xảy ra ở dưới xương ức, có thể lan ra cổ, vai, cánh tay, bụng hoặc lưng. Các cơn đau thường xuất hiện khi người bệnh xúc động quá mức, hoặc vận động quá sức.
Mỗi bệnh nhân sẽ có các cơn đau khác nhau, mức độ và tần suất đau càng cao thì chứng tỏ bệnh càng nghiêm trọng.
- Nhịp tim nhanh: Vì cơ tim không được nhận đủ oxy để co bóp, đưa máu đi nuôi toàn cơ thể, nên tim phải hoạt động tích cực hơn để đạt được lượng oxy cần thiết.
- Khó thở: Khi bệnh mới manh nha, bệnh nhân chỉ thấy khó thở khi làm việc nặng. Dần dần, các cơn khó thở diễn ra thường xuyên hơn. Đặc biệt bệnh nhân có thể bị khó thở vào ban đêm, gây mệt mỏi do mất ngủ.
Bạn có thể gặp nhiều triệu chứng hơn nếu tình trạng xơ vữa động mạch vành nặng, lưu lượng máu bị giảm mạnh.
3. Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch vành
3.1. Nguyên nhân
Thành phần của động mạch vành gồm 3 lớp, ngoài cùng là ngoại mạc, sau đó đến cơ trơn, trong cùng là lớp nội mạc. Khi bị rối loạn lipid máu, mất cân bằng giữa cholesterol tốt và xấu sẽ kích thích các phản ứng viêm và oxy hóa tạo thành các gốc tự do, làm tổn thương mạch vành.
Lớp nội mạc là các tế bào dạng vảy, khi bị tổn thương thì các chất béo xấu như cholesterol có xu hướng bám vào dễ dàng, tạo thành các mảng xơ vữa. Cholesterol bị "mắc kẹt" có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch, khiến cho khối xơ vữa ngày càng dày hơn, làm tắc nghẽn dòng máu đi tới tim.
Mặt khác, khi mảng xơ vữa phát triển quá to, nó có thể bị nứt vỡ hoặc loét. Tiểu cầu sẽ tập trung lại vị trí bị vỡ loét này để sửa chữa chúng, lâu dần hình thành nên các cục máu đông (huyết khối). Khi cục máu đông đủ to, không thể thông qua động mạch, làm tắc động mạch vành thì sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
3.2. Đối tượng nào có nguy cơ bị xơ vữa động mạch vành?
- Nam giới có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch vành cao hơn 2 - 3 lần so với nữ giới.
- Lười vận động, béo phì làm tăng nguy cơ bị rối loạn lipid máu, gián tiếp gây xơ vữa động mạch vành.
- Bệnh nhân huyết áp cao có áp lực trong lòng mạch cao, khiến lớp nội mô dễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho các chất béo xấu bám vào, hình thành mảng xơ vữa.
- Bệnh nhân mắc tiểu đường, bệnh thận mãn tính, suy giáp và các hội chứng rối loạn chuyển hóa khiến quá trình chuyển hóa lipid máu bị ảnh hưởng, dễ phát sinh xơ vữa động mạch vành.
- Người hút thuốc lá dễ bị mất cân bằng cholesterol. Khói thuốc lá lại có khả năng làm hỏng thành mạch máu nên dễ bị xơ vữa động mạch vành.
- Người cao tuổi (nam trên 50 và nữ trên 55 tuổi) thường có nhịp tim chậm, quá trình chuyển hóa lipid bị đình trệ khiến chất béo xấu dễ bị ứ đọng lại trong máu.
4. Chẩn đoán
- Kiểm tra thể chất: Sau khi hỏi về các triệu chứng, lịch sử y tế và các yếu tố nguy cơ gây bệnh thì bác sĩ sẽ bắt đầu tiến hành một bài kiểm tra thể chất. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn chạy trên máy chạy bộ để đo mức độ hoạt động của tim và phát hiện các triệu chứng khi cơ thể làm việc nặng hơn bình thường.
- Xét nghiệm quét canxi động mạch vành: Phát hiện vị trí và kích thước của mảng xơ vữa.
- Điện tâm đồ: Xác định các vấn đề về nhịp tim hoặc dấu hiệu của một cơn đau tim.
- Siêu âm tim: Đo thể tích máu được bơm bởi tim. Xét nghiệm này có thể được thực hiện trong khi bệnh nhân tập thể dục hoặc sau khi dùng thuốc để kích thích tim.
5. Các phương pháp điều trị xơ vữa động mạch vành là gì?
5.1. Điều trị bằng thuốc
Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê một hoặc nhiều loại thuốc. Các nhóm thuốc được dùng để điều trị xơ vữa động mạch vành thường là:
- Thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc lợi tiểu,... giúp giảm huyết áp.
- Thuốc giảm cholesterol giúp ngăn chặn mảng xơ vữa tăng kích thước.
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) giúp ngăn ngừa hẹp động mạch vành.
- Thuốc giãn mạch giúp lưu thông dòng chảy.
- Thuốc chống đông máu ngăn ngừa hình thành các cục máu đông làm tắc động mạch vành.
5.2. Phẫu thuật
- Phẫu thuật thông động mạch vành:
Phương pháp can thiệp thông động mạch vành có thể bao gồm nong động mạch vành và phẫu thuật đặc stent.
Trong kỹ thuật nong động mạch vành, bác sĩ sẽ sử dụng ống thông và bóng để mở rộng động mạch vành. Còn kỹ thuật đặt stent là bác sĩ sử dụng ống lưới thép chuyên dụng để giữ cho động mạch mở rộng.
Đây là phương pháp điều trị xơ vữa động mạch vành phổ biến nhưng chi phí thực hiện khá tốn kém, và dễ bị tái phát, nên cần thăm khám định kỳ thường xuyên.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành:
Bác sĩ sẽ thực hiện gắn thêm các động mạch hoặc tĩnh mạch mới thay cho động mạch vành bị tắc nghẽn. Các động mạch mới này thường được lấy từ phần khác của cơ thể bệnh nhân, ở vị trí mà các mạch máu có thể thay thế được. Thông thường, bác sĩ sẽ lấy động mạch vú trong, tĩnh mạch ở mặt sau cẳng chân, tĩnh mạch cánh tay, hoặc động mạch ở ổ bụng. Rất hiếm khi bác sĩ phải dùng tới động mạch nhân tạo hoặc động mạch được hiến tặng từ người khác.
Đôi khi bác sĩ có thể phẫu thuật xơ vữa, sử dụng ống thông có lưỡi sắc ở một đầu để loại bỏ mảng xơ vữa ra khỏi động mạch vành. Hoặc phẫu thuật xâm lấn giúp tiêm thuốc vào động mạch vành để làm tan cục máu đông.
6. Biến chứng của xơ vữa động mạch vành là gì?
- Khi mảng xơ vữa quá to, hoặc hình thành các cục máu đông chặn dòng chảy, máu không đi tới được tim sẽ khiến một phần cơ tim bị chết hoàn toàn, gây nhồi máu cơ tim. Đây là biến chứng cấp tính nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay để tránh ảnh hưởng đến tính mạng. Dù vậy, sau khi được cấp cứu, 90% bệnh nhân sẽ bị rối loạn nhịp tim, do nhồi máu cơ tim đã để lại các mô sẹo không thể phục hồi.
- Tình trạng xơ vữa động mạch vành kéo dài sẽ khiến tim không nhận đủ máu, yếu dần đi, gây suy tim.
- Các mảng xơ vữa phát triển quá to sẽ gây phình mạch, vỡ động mạch vành và xuất huyết. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong ngay lập tức.
7. Phòng tránh
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ưu tiên các thực phẩm thanh đạm, hạn chế chất béo và thức ăn có chứa nhiều cholesterol.
- Tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng khỏe mạnh để giảm mỡ xấu trong máu.
- Không hút thuốc lá.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý có liên quan như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh thận,....
8. Chế độ dinh dưỡng
8.1. Nên ăn gì?
- Thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp hòa tan và giảm hấp thu cholesterol.
- Tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và các vitamin A,C,E như súp lơ, cải xoăn, cải bó xôi, cà rốt, cà chua, cam quýt, nghệ, trà xanh,.... để ngăn chặn phản ứng viêm, ức chế các mảng xơ vữa.
- Thực phẩm chứa salicylate như quả nho, chà là, việt quất, dâu tây, hành tây, tỏi, nghệ, gừng,.... giúp ngăn ngừa kết dính tiểu cầu, tránh hình thành cục máu đông.
- Ưu tiên dầu thực vật như dầu oliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu cải,... vì chúng là những chất béo không no, giúp chuyển cholesterol ra khỏi máu.
- Ăn nhiều cá giúp bổ sung Omega-3, bảo vệ tim mạch.
- Bổ sung protein bằng cách ăn các loại thịt trắng như ức gà, thịt vịt, thịt lợn thăn,...
- Chọn sữa và các sản phẩm từ sữa thì nên chọn loại tách kem, ít béo.
8.2. Nên kiêng gì?
- Thực phẩm giàu cholesterol như lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, đồ rán chiên và xào…
- Hạn chế mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, bơ, kem sữa bò,...
- Không nên ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt bê,...
- Không ăn thức ăn đóng hộp, đồ ăn có nhiều muối để tránh tăng huyết áp.
- Nếu bệnh nhân bị xơ vữa động mạch vành đang sử dụng thuốc chống đông máu kháng vitamin K thì cần kiêng các loại thực phẩm giàu vitamin K như chuối, rau súp lơ, rau cải, rau muống, măng tây, mùi tây, rau diếp,...
- Kiêng tuyệt đối rượu bia và đồ uống có chứa chất kích thích.
9. Các câu hỏi thường gặp
9.1. Xơ vữa động mạch vành có nguy hiểm không?
Xơ vữa động mạch vành là căn bệnh rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Do đó, khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, bạn cần đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị sớm, sẽ ngăn chặn được các biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe.
9.2. Xơ vữa động mạch vành có chữa được không?
Xơ vữa động mạch vành có thể chữa được. Nhưng nó rất dễ tái phát nếu người bệnh có lối sống kém lành mạnh. Do đó bệnh nhân cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân và kiểm soát tốt bệnh.
9.3. Bị xơ vữa động mạch vành có chơi thể thao được không?
Xơ vữa động mạch vành được xếp là một loại bệnh tim mạch nguy hiểm, do đó bệnh nhân thường rất e ngại các hoạt động thể chất nặng. Tuy nhiên, việc tập luyện thể thao đều đặn có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển, cải thiện sức khỏe tim mạch.
Người bệnh chỉ cần chủ ý tránh các môn thể thao yêu cầu quá nhiều oxy như quần vợt, chạy bộ nhanh, bơi nhanh,... Các môn thể thao được khuyến khích là yoga, thái cực quyền, đi bộ, đạp xe chậm, bơi chậm,...
9.4. Xơ vữa động mạch vành có di truyền không?
Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch vành chủ yếu là do lối sống kém lành mạnh. Tỷ lệ phần trăm do di truyền là rất thấp. Nguyên nhân di truyền thường liên quan đến gen béo phì hoặc các hội chứng rối loạn chuyển hóa, gián tiếp gây xơ vữa động mạch vành.
10. Một số hình ảnh về xơ vữa động mạch vành
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet