Xóa nỗi sợ tiếng Anh

31/12/2015 - 10:34
Hàng trăm học sinh nông thôn đã được truyền hứng thú, niềm đam mê học tiếng Anh bằng cách học chủ động, thông qua một dự án của các bạn sinh viên Hà Nội.

Do thiếu điều kiện nên học sinh nông thôn thường nghe tiếng Anh như “vịt nghe sấm”. Với cách học theo lối mòn, nhiều học sinh gần như “mù tịt” và rất sợ môn tiếng Anh. Từng học ở quê nên Nguyễn Thị Minh Huế (sinh viên Học viện Ngoại giao) biết rõ những khó khăn này.

Dù đỗ ĐH chuyên ngành tiếng Anh, năm đầu Huế rất tự ti, không dám giao tiếp với người nước ngoài. Ở lớp, cô phải cố gắng rất nhiều mới rèn luyện được kỹ năng nghe, nói và theo kịp được các bạn học ở thành thị.

Thấu hiểu những rào cản đó nên Minh Huế cùng các bạn trong nhóm sinh viên đã thành lập câu lạc bộ tiếng Anh tại vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội để giúp học sinh có cơ hội học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Từ đó, tạo hứng thú để học sinh thích học tiếng Anh.

Lớp học chủ động của Dự án Những mầm xanh. Ảnh: NVCC

234 học sinh khối 6 trường THCS Phương Trung (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lần đầu được tiếp cận với phương pháp học tiếng Anh rất hiệu quả. Không còn cảnh cô viết lên bảng, học trò chép vào vở, các em được học tiếng Anh một cách chủ động, qua trò chơi, làm việc nhóm, thuyết trình… Các bạn trong nhóm sinh viên còn thực hiện "Chiến dịch Câu chuyện của em”: Qua các thông điệp về nghị lực, tình thương, trách nhiệm từ những mẩu chuyện nhỏ, khơi dậy trong các học trò nhỏ những điều tốt đẹp nhất.

“Từ phương pháp học hiệu quả, bài học ý nghĩa đã tạo ra những thay đổi lớn trong nhận thức, suy nghĩ và tình cảm của các em. Chúng tôi tin rằng, dạy tiếng Anh không chỉ là trang bị ngôn ngữ mà còn là cơ hội để học sinh bộc lộ bản thân, nuôi dưỡng những khả năng tiềm ẩn trong các em”, Lê Ngọc Diệp, trưởng ban đối ngoại Dự án Những mầm xanh cho biết.

Học sinh trường THCS Phương Trung tự tin trong các hoạt động tập thể. Ảnh: NVCC

Theo Minh Huế, sau nửa năm triển khai, nhiều học sinh trường THCS Phương Trung đã mạnh dạn, tự tin, chủ động hòa mình vào các hoạt động tập thể. Đặc biệt, các em yêu thích bộ môn Tiếng Anh hơn và tích cực tham gia xây dựng các bài giảng tiếng Anh.

Minh Huế và các thành viên trong nhóm mong muốn đưa tiếng Anh không chỉ về nông thôn mà còn lên miền núi, những nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, để góp phần xóa bỏ cách học tiếng Anh thụ động rất phổ biến hiện nay. Truyền cảm hứng cho các em, nhưng điều quan trọng không kém chính là thay đổi phương pháp dạy ngoại ngữ rất cũ từ các thầy cô. Có như vậy, việc học tiếng Anh mới thu được hiệu quả thiết thực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm