pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Xóm chạy thận” mùa nắng nóng: Nhiều người chỉ mong đến ngày vào viện
Bà Hứa Thị Rinh đội chiếc khăn ướt lên đầu để giảm nóng
Phòng trọ nóng như cái lò
"Xóm chạy thận" ở ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là nơi thuê trọ của hơn 100 bệnh nhân mắc bệnh thận. Họ đến từ nhiều tỉnh/thành khác nhau, đa số là phụ nữ lớn tuổi. Họ phải lọc máu hằng tuần để kéo dài sự sống.
Người nào bị nặng thì một tuần phải lọc máu 3 lần, còn nhẹ hơn thì mỗi tuần 1-2 lần. Tranh thủ những ngày không đi chạy thận, những người còn khoẻ vẫn tìm chỗ bán trà đá, chạy xe ôm, rửa bát đĩa thuê để kiếm tiền mua bó rau, miếng đậu. Người yếu hơn thì chỉ quanh quẩn ở phòng với 4 bức tường.
Ngồi trong căn phòng trọ lợp bằng các tấm fibro xi-măng rộng chưa đầy 10m2, đầu đội chiếc khăn đã nhúng nước, tay phe phẩy cái quạt mo, bà Hứa Thị Rinh (73 tuổi, quê ở Cao Bằng) cho biết, hầu hết các phòng ở khu trọ của bà ở có duy nhất 1 chiếc cửa sổ nhưng nó chỉ to như cái… hộp bánh.
Bởi thế, mỗi khi vào hè, căn phòng trở nên vô cùng ngột ngạt. "Hà Nội mấy hôm nay oi bức khiến cho mọi sinh hoạt của xóm bị đảo lộn. Ngồi ngoài sân đợi gió thì không chịu được nắng, mà ở trong nhà thì hầm hập như cái lò, không sao thở nổi. Mỗi lần đi điều trị trở về, người tôi cứ lả đi vì mệt mỏi.
Thời tiết này đúng là cực hình với những người bệnh thận như tôi. Mấy hôm nay tôi không nấu cơm, đến bữa lại ra ngoài đầu ngõ mua 3 nghìn bún về, chan với tí nước mắm là xong bữa", bà Rinh nói.
Liên tục lau người bằng khăn ướt
Cạnh phòng của bà Rinh là phòng của chị Nguyễn Thị Bình (51 tuổi, quê ở huyện Thạch Thất, Hà Nội). Cách đây 8 năm, bệnh thận của chị chuyển nặng, thường xuyên phải vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Chị đã thuê một phòng trọ ở "xóm chạy thận" để tiện cho việc đi lại chữa bệnh.
Chị Bình cho biết, mùa hè luôn là nỗi khiếp sợ đối với chị và những bệnh nhân chạy thận. Nhiều hôm nắng nóng ở nhà không ngủ được, chị đành tranh thủ chợp mắt ở bệnh viện sau khi chữa bệnh.
Nói về kinh nghiệm chống nóng trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, chị Bình cho biết, trong phòng luôn có sẵn chậu nước và khăn, ngoài ra chị còn mua thêm máy phun sương để làm mát phòng.
"Mấy hôm nay thời tiết Hà Nội nắng nóng quá, để nằm nghỉ được trong phòng, cứ 15 phút, tôi lại phải dậy lau người 1 lần, ngoài ra còn dùng nước hắt vào mái và tường của phòng trọ để giảm nhiệt. Một số người che giấy cát-tông lên mái nhưng tôi thấy không ăn thua…", chị Bình chia sẻ.
Chị Bình là một trong số ít người tại "xóm chạy thận" này có đồng ra đồng vào. Hàng ngày, chị bán trà đá ngoài vỉa hè phố Lê Thanh Nghị. Chị Bình cho biết, nhờ vào việc bán trà đá, chị có thể tự lo được kinh phí chữa bệnh và tiền thuê phòng, tiền ăn uống, sinh hoạt.
"Mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 4 đến 5 triệu đồng tiền bán trà đá. Số tiền này cũng đủ để tôi sinh sống và chữa bệnh. Mình còn sức khỏe, không muốn là gánh nặng cho chồng, con. Ngày nào còn đi được thì tôi vẫn sẽ đi bán trà đá để có thu nhập, tự trang trải cuộc sống", chị Bình nói.
Có máy điều hòa nhưng… không dám bật
Các phòng trọ trong "xóm chạy thận" này hầu hết đều được chủ nhà lắp đặt máy điều hòa. Thế nhưng, những người thuê trọ tại đây gần như không ai sử dụng vì sợ tốn điện. Họ chỉ sử dụng điều hòa khi không thể chịu đựng được nữa.
"Cuộc đời chạy thận nay lo tiền thuốc, mai lo tiền thuê nhà. Bởi thế, chúng tôi không dám bật điều hòa, chỉ đến lúc sắp đi ngủ mới cho chạy chừng 10 phút rồi lại tắt ngay. Nếu dùng nhiều, có khi tiền điện còn cao hơn tiền phòng", chị Đặng Thị Xiêm (29 tuổi, quê ở Bắc Kạn) nói và cho biết thêm, mỗi tháng mùa hè chị dùng hết khoảng 100.000 đồng tiền điện.
Trước đây, chị Xiêm thường nhận hạt sen về để thông tâm. Thế nhưng vài năm nay, 2 tay chị yếu, bị nổi nhiều cục to như quả ổi nên không làm thêm công việc gì. Chị chia sẻ, chị đã kết hôn được 6 năm nhưng chưa nghĩ đến việc sinh con vì bản thân bệnh tật và hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn.
"Đối với những người bệnh thận, giấc ngủ rất quan trọng, nhưng đợt này mỗi đêm, tôi chỉ chợp mắt được 2 tiếng nên người lúc nào cũng mệt mỏi. Vào mùa này, tôi chỉ mong đến ngày chạy thận để vào viện. Vì ở bệnh viện có điều hòa, khám xong, tôi thường cố nán lại, tranh thủ chợp mắt ngủ 1 lúc", chị Xiêm kể.