Khi leo lên mái để sửa nhà, anh Sóc Chanh (sinh năm 1980, người Campuchia) bị dây điện cao thế phóng điện trúng người, té ngã. Bệnh nhân được đưa vào sơ cứu tại một bệnh viện ở Campuchia và sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán bỏng điện độ 2, 3, 4 với diện tích 16% ở tứ chi.
Khi vào Bệnh viện Chợ Rẫy, hai tay bệnh nhân đã lạnh, co quắp, các bác sĩ tiên lượng từ đầu là sẽ khó giữ được do bỏng quá sâu. Mặc dù rất cố gắng điều trị nhưng bệnh nhân vẫn phải cắt cụt 1/3 trên cẳng tay phải và trái.
Hai chân của bệnh nhân cũng bị bỏng sâu, các bác sĩ đã cắt lọc các phần hoại tử, cố gắng giữ chân nhưng cuối cùng vẫn phải cắt 1/3 giữa cẳng chân của cả 2 bên.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Nguyễn Anh Khoa (sinh năm 1978, ngụ tỉnh Bình Định). Khi đang làm việc tại công trình xây dựng thì anh bị điện giật, ngã từ độ cao 4m, chấn thương sọ não.
Bệnh nhân đã được đưa vào bệnh viện địa phương để mổ vết thương đầu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi nhập viện, bệnh nhân bị bỏng điện 12% độ 2, 3, 4 ở 2 tay và chân trái. Bệnh nhân đã phải trải qua 7 lần mổ để cắt lọc các phần hoại tử và cuối cùng phải cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái, 1/3 trên cẳng tay trái và 1/3 giữa cẳng tay phải.
TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bỏng điện có 2 loại, đó là bỏng do tia lửa điện và bỏng do luồng điện. Trong đó, bỏng do luồng điện rất nguy hiểm vì bệnh nhân sẽ bị bỏng từ bên trong, thường sẽ bị cháy cơ, khớp… nên rất dễ dẫn đến hoại tử phải đoạn chi.
Theo bác sĩ Hiệp, số bệnh nhân bị tai nạn bỏng điện tại khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình chiếm 15 - 20%. Trong đó, có 1/3 số bệnh nhân có biến chứng hoại tử và phải cắt cụt chi. Hiện trong khoa có 15 ca bỏng điện, trong đó 5 ca phải đoạn chi.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bỏng điện là do chủ quan, không đảm bảo các điều kiện an toàn về điện. Hậu quả do bỏng điện để lại rất nặng nề. Người bệnh chủ yếu đang trong độ tuổi lao động, sau khi cứu sống, đoạn chi sẽ phải chịu cảnh tàn phế suốt đời.