Xử lý không dứt điểm các vụ bạo hành trẻ em sẽ để lại hậu quả dai dẳng

Đinh Thu Hiền
06/12/2020 - 20:16
Xử lý không dứt điểm các vụ bạo hành trẻ em sẽ để lại hậu quả dai dẳng

Cháu Lê Thị Thanh T. bị mẹ kế bạo hành vô cớ, gây thương tích 22% nhưng hiện vụ việc vẫn chưa được khởi tố - Ảnh: Chính Trực

Các vụ việc bạo hành trẻ em, nếu không chiến đấu kiên quyết và mạnh mẽ, thì sẽ trở thành vấn nạn gây xáo trộn sự yên bình của cuộc sống. Hơn thế, hậu quả để lại dai dẳng qua rất nhiều thời gian.

Vụ việc cháu Trương Quang D. bị bà chủ quán bánh xèo tại Bắc Ninh bạo hành bằng các hung khí nguy hiểm suốt nhiều tháng mà chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết. Cho tới cuối tháng 11/2020, không thể chịu đựng nổi đòn roi đau đớn kinh hoàng, cháu D. phải trốn chạy ra khỏi "địa ngục" và truyền thông đồng loạt lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới bắt tay vào xử lý.

Là 1 trong số các nhà báo thường xuyên tiếp nhận các thông tin về phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, tôi thường mang tâm lý uất ức và thương xót, ám ảnh ngay cả trong giấc ngủ. Ở nhà, con cái bị xước xát tay chân khi té ngã chút thôi, phụ huynh đã xót ruột xót gan lắm rồi, huống chi thấy người khác đánh con trẻ bằng các hung khí nguy hiểm, sao lại có thể dửng dưng?

Vậy nhưng, có các vụ việc đánh đập, bạo hành trẻ em, cho tới thời điểm này chúng tôi vẫn đang đeo bám và chưa biết khi nào thì công lý soi rọi tới. Cơ quan CSĐT và Viện KSND địa phương thường vin cớ vào kết quả giám định y khoa để KHÔNG KHỞI TỐ vụ án. Nỗi đau về thể xác và tinh thần của trẻ em cùng gia đình, cứ dai dẳng mãi. Đặc biệt đối với trẻ em. Hoặc các con sẽ mang tâm lý mặc cảm, tự ti, ảnh hưởng tới giao tiếp và tương lai, hoặc các con sẽ mang tâm lý nổi loạn, chống đối tiêu cực và tiếp tục có các hành vi bạo hành tương tự với những người khác sau này.

* Ở vụ việc thứ nhất, tại Lộc Ninh, Bình Phước, Báo PNVN đã nhận được sự ủng hộ từ các quan chức địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, Bí thư huyện Lộc Ninh đều đồng ý quan điểm bảo vệ trẻ em của tòa soạn. Nhưng cho tới thời điểm này, vụ việc em Lê Thị Thanh T., sinh năm 2001 (trú tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), bị mẹ kế đánh ngày 19/12/2015 với giám định thương tật 22%, vẫn chìm vào im lặng.

Công an xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, khi tiếp nhận vụ việc còn có hành vi nạt nộ người tới tố cáo. Trong đơn tố cáo gửi các cơ quan công quyền, người đứng đơn là chị Nguyễn Thị Thanh Hương, mẹ ruột của cháu Lê Thị Thanh T., cho biết: vào lúc 14h ngày 19/12/2015, T. có xin phép mẹ về thăm ông bà nội và ba ruột tại nhà riêng ở địa chỉ ấp 8, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh. Khi T. tới nhà ông bà nội, thì ông bà đều nhận định trên người cháu không có vết trầy xước đau đớn gì. Việc này, Công an huyện Lộc Ninh đã tới hỏi ông bà nội cháu và ghi nhận.

Sau đó, cháu T. đi từ nhà ông bà nội sang nhà cha ruột cách đó chừng vài chục mét để thăm ba là ông Thông. Khi tới nhà ba, T. không thấy ba nên có hỏi mẹ kế là bà Nguyễn Thị Mai có biết ba đi đâu hay không. Bà Mai không trả lời mà còn xua đuổi và chửi bới cháu thậm tệ.

Lời qua tiếng lại, bà Mai ngay lập tức đã chạy tới xô cháu T. ngã và dùng cây kiềm bấm tiêu đang cầm sẵn trên tay đánh vào đầu T., sau đó dùng cây gỗ có răng cưa đánh liên tục vào cẳng chân, cổ chân của cháu khiến cháu đau đớn ngã khuỵu ngay trước nhà.

Quá đau đớn, cháu T. la hét và gọi điện thoại ngay cho mẹ và anh trai tới giúp đỡ nhưng không ai nghe máy. Một lúc sau, anh trai của T. điện thoại lại thì thấy T. có bấm nghe nhưng không trả lời nên anh trai nhanh trí ghi âm lại để hiểu sự việc. File ghi âm này đã được cung cấp cho Cơ quan CSĐT. Thời điểm ấy, bà Mai vẫn tiếp tục chửi mắng và đánh đập T. Hơn thế, bà Mai còn làm hư hỏng chiếc xe gắn máy của cháu.

Cháu T. sau đó được giám định thương tích và Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước đã ban hành Bản kết luận giám định pháp y số 60/2016/TgT ngày 12/04/2016. Phía CQĐT Lộc Ninh cho rằng bản Kết luận giám định pháp y còn mâu thuẫn nên ngày 05/03/2017, CQĐT Lộc Ninh đã cho trưng cầu giám định bổ sung về cơ chế hình thành thương tích của cháu T.

Không nghiêm trị, nạn bạo hành trẻ em còn tiếp diễn - Ảnh 2.

Hồ sơ thể hiện Giám định thương tích 22% của cháu T. do Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh báo cáo lên cấp trên.

Ngày 14/07/2017, Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y ban hành kết luận giám định bổ sung số 133/2017/TgT về cơ chế hình thành thương tích. Giám định này cho biết, hung khí là cây gỗ không thể gây ra thương tích ở đùi và thương tích ở cổ chân phải (gãy xương Sên bàn chân phải) của cháu T. Cuối cùng, giám định y khoa chuyển thương tích từ 22% về... 1%.

Từ kết luận giám định này, cùng chi tiết "bà Mai không thừa nhận việc đánh cháu T.", Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh đã ra Kết luận không khởi tố vụ án.

* Vụ việc thứ 2 diễn ra tại TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ngày 6/2/2019, cháu Huỳnh Ngọc S., sinh năm 2005, trú tại P.Đông Hồ, TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), đi chơi. Tại Phòng bán vé Khu du lịch Mũi Nai, P.Pháo Đài, TP Hà Tiên, cháu Huỳnh Ngọc S đã bị bà Lý Thị A.T vô cớ dùng nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu gây thương tích khiến cháu S. bị chảy máu nhiều, choáng váng và nhập viện tại Khoa Ngoại Tổng hợp, Trung tâm Y tế TP Hà Tiên, sau đó được đưa lên khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Cháu S. được chẩn đoán "Chấn thương đầu". Ngay sau đó, gia đình bà Riêng đã tới trình báo công an P.Pháo Đài, TP Hà Tiên nhưng tới 2 tháng 4 ngày sau, cháu S. mới được đưa đi giám định khi vết thương trên đầu đã lành.

Gia đình bà Riêng sau đó nhận được thông báo miệng của cơ quan này rằng, kết quả của việc giám định thương tích của cháu Huỳnh Ngọc S. là 0%.

Giải thích về nguyên nhân "ân oán" trước đây, con gái của bà Riêng tên L.T (đã cưới chồng sinh sống tại nơi khác) có nợ tiền hụi của bà Lý Thị A.T 3 triệu đồng. Vì món nợ này mà bà A.T đã nhiều lần dẫn người quen tới nhà bà Riêng gây chuyện, đe dọa nếu thấy bất cứ thành viên nào trong gia đình bà Riêng ra ngoài đường thì sẽ "gặp đâu đánh đó".

Vào ngày 11/2/2019, bà Riêng đã đứng đơn Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự gửi tới Cơ quan CSĐT Công an Hà Tiên, tố cáo bà A.T và chồng có hành vi tới nhà đe dọa, khiêu khích đâm chém và nhục mạ gia đình bà. Cùng ngày, bà Riêng cũng có đơn Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự vì bà A.T đã có hành vi Cố ý gây thương tích đối với cháu Huỳnh Ngọc S. Thời điểm S. bị hành hung vô cớ, cháu mới 14 tuổi.

Ngày 15/5/2019, bà Riêng tiếp tục làm Đơn yêu cầu xử lý hành vi gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe đối với trẻ em gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên và Viện KSND TP Hà Tiên. Tuy nhiên, đơn của bà đã bị 2 cơ quan này từ chối tiếp nhận với lý do: Chờ quyết định giải quyết tố cáo.

Ngày 23/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên đã ban hành văn bản số 602/TB-CQĐT V/v: Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Thông báo này nêu: "Ngày 22/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 601/QĐ-CQĐT đối với vụ "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 6/2/2019 tại Khu phố 3, P.Pháo Đài, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, theo quy định tại khoản 2 điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đồng thời ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lý Thị A.T về hành vi "Xâm hại đến sức khỏe của người khác" theo quy định tại điểm e, khoản 3, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ".

Không đồng ý với cách giải quyết này, ngày 24/5/2019, bà Nguyễn Thị Riêng đã gửi Đơn khiếu nại đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên. Tới ngày 24/8/2020, cơ quan này đã ra Quyết định số 856/QĐ-GQKN bác tất cả các khiếu nại của bà Riêng.

Lưu ý đến yếu tố nạn nhân là trẻ em

Xác định tỉ lệ % thương tật trong việc giám định, là căn cứ để Cơ quan CSĐT có cơ sở xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với người thực hiện hành vi. Tùy vào tỉ lệ % thương tích mà người vi phạm bị xử lý hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM, Chi hội Luật sư Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, cho biết: "Theo quy định tại Khoản 1, Điều 143 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 về tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác nếu hậu quả tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng phạm tội đối với người dưới 16 tuổi vẫn bị coi là phạm tội. Ngoài ra việc xác định tỉ lệ % thương tật cho nạn nhân trong quá trình điều trị còn là cơ sở để người bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm".

Cho tới thời điểm này, cả 2 vụ việc người lớn vô cớ đánh đập trẻ em dưới 16 tuổi, sử dụng hung khí nguy hiểm, có thương tích nhập viện điều trị tại Bình Phước và Kiên Giang, nhưng Cơ quan CSĐT đều dựa vào Kết luận giám định để không khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Dù cho các kết quả này đều CHƯA THỂ HIỆN ĐÚNG VÀ ĐẦY ĐỦ thương tích của các con ở ngay thời điểm bị người lớn bạo hành, đánh đập vô cớ.

Các vụ việc bạo hành trẻ em, nếu không chiến đấu kiên quyết và mạnh mẽ, thì sẽ trở thành vấn nạn gây xáo trộn sự yên bình của cuộc sống. Hơn thế, hậu quả để lại dai dẳng qua rất nhiều thời gian. Các vết thương trên cơ thể nạn nhân sẽ lành theo năm tháng nhưng sự sứt sẹo trong tâm hồn trẻ nhỏ thì khó có thể lường được hậu quả sau này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm