Xử lý rác tại hộ gia đình: Cán bộ thử nghiệm trước mới thuyết phục được dân

Bài, ảnh: An Khê
17/03/2023 - 17:55
Xử lý rác tại hộ gia đình: Cán bộ thử nghiệm trước mới thuyết phục được dân

Ông Phạm Văn Dương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang) và hộ nông dân tham gia mô hình

Khi bắt đầu mô hình "Xử lý rác tại hộ gia đình" ở huyện Bình Giang (Hải Dương), Hội Nông dân huyện đã không ngừng tuyên truyền, khuyến khích người dân thay đổi hành vi vứt rác. Mô hình được làm quyết liệt hơn tại toàn bộ các thôn trên địa bàn huyện vào năm 2021, sau dịch Covid-19.

"Nhưng không phải cứ hô hào, phát động là dân nghe, dân làm. Mình phải sát sao kiểm tra, khuyên khích và phải tự thử nghiệm cho ra được kết quả khả thi thì người dân mới làm", ông Phạm Văn Dương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang) - chia sẻ.

Ban đầu, Hội thử nghiệm phân loại rác tại các gia đình trong 4 thôn. Tuy nhiên, lúc đó để vận động bà con làm điều này rất khó. Đầu tiên, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã phải đi từng cơ sở, qua từng nhà để hướng dẫn, vận động. Có nhiều buổi tập huấn, phát tài liệu, tuyên truyền về tư tưởng nhưng nhiều hộ vẫn chưa muốn làm.

Xử lý rác tại hộ gia đình: Cán bộ thử nghiệm trước mới thuyết phục được dân  - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Dương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang) - kiểm tra mô hình tại hộ gia đình

Ông Đào Xuân Điển - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Giang - chia sẻ những khó khăn trong công tác vận động: "Rau thừa, vỏ củ, người dân vơ một đống, dồn hết vào thùng rác rồi mang đi vứt. Đó cũng là thói quen từ bao đời nay của người dân, rất khó thay đổi. Vì thế khi triển khai, chúng tôi thực hiện tập huấn cho các hộ tham gia và phải đến trực tiếp từng nhà hướng dẫn họ phân loại rác ra, cho men vi sinh vào cho họ nhìn thấy tận mắt. Từ rác tạo thành phân vi sinh, vừa có thể mang bón đồng ruộng lại giảm được rác thải tập trung. 

Cứ kiên nhẫn như thế cho đến khi người dân hiểu và thấy được giá trị và làm theo. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 1 thùng, xử lý rác hữu cơ, 2 kg men vi sinh ủ rác hữu cơ, 1 dĩa 3 răng, 1 xẻng con. Khi các hộ khác nhìn thấy những hộ này làm được và mang lại hiệu quả tích cực thì cũng muốn làm theo. Các thùng nhựa rất bền, có thể sử dụng được trên 10 năm, còn với mỗi kg men vi sinh có thể xử lý được từ 2-3 tấn rác hữu cơ".

Xử lý rác tại hộ gia đình: Cán bộ thử nghiệm trước mới thuyết phục được dân  - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Nâu (thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, tỉnh Hải Dương)

Là một trong những hộ nông dân đi đầu trong xử lý rác thải tại gia đình, bà Đỗ Thị Nâu (thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng) cho biết, ngay khi xã phổ biến, bà tiếp nhận làm luôn. "Lúc mới làm, nhiều nông dân không tin tưởng sẽ giảm được rác thải và cũng chưa có kinh nghiệm nên không định làm đến cùng. Nhưng khi được đi tập huấn thì thấy hiệu quả của việc này, họ đã vui vẻ làm đúng quy trình. Ngay cả khi làm thì chính nông dân chúng tôi cũng tự sáng tạo thêm để phù hợp với thực thế gia đình như rau củ quả không phân hủy mà chảy nước nên chúng tôi đã cho thêm rơm, bùn, trấu vào thì tất cả đều được phân hủy và không bị mùi", bà Nâu vui mừng chia sẻ.

Xử lý rác tại hộ gia đình: Cán bộ thử nghiệm trước mới thuyết phục được dân  - Ảnh 3.

Rác sau khi phân hủy, bà Nâu dùng trồng rau màu và hoa

Hiện tại rác nhà bà Nâu chỉ có rất ít chai lọ hoặc vỏ nylon. Rác sau khi phân hủy, bà trồng rau màu và hoa rất xanh tốt, đất trồng không nứt nẻ, cây cảnh rất đảm bảo, không mất thêm chi phí phân bón cho cây.

Theo ông Phạm Văn Dương, trước đây chỉ phân loại 2 loại vô cơ và hữu cơ nhưng khi nông dân mang đi vứt lại dồn vào một nơi, việc phân loại trở nên không có giá trị. Nhưng mô hình "Hội Nông dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" có thể xử lý được tận gốc, với rác hữu cơ trở thành phân bón, chỉ mang những rác vô cơ như túi nylon đi vứt tại khu tập trung.

Xử lý rác tại hộ gia đình: Cán bộ thử nghiệm trước mới thuyết phục được dân  - Ảnh 4.

"Rau rất xanh tốt, đất trồng không nứt nẻ" - bà Nâu cho biết

Ông Dương cũng cho biết, sau khi mô hình tại xã Hùng Thắng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ làm điểm thành công, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo thực hiện nhân rộng mô hình ra toàn huyện. Hiện tại đã có 6 mô hình đang được triển khai trên địa bàn huyện, giúp giảm được 70% - 80% lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường gây ô nhiễm.

"Lượng rác thải thải ra rất ít, dưới cơ sở đánh giá rất thành công và người dân phấn khởi. Trong 5 năm tới, mô hình sẽ được phủ kín trên địa bàn xã", ông Dương hồ hởi nói.

Đặc biệt, trước khi tuyên truyền rộng rãi đến bà con thì chính các cán bộ của Hội Nông dân đã chủ động mua thùng, men về và thử nhiều cách. Ban đầu, cách ủ men bị gây mùi nên phải làm đi làm lại nhiều lần để cho ra sản phẩm không mùi, tiêu hủy rác và rác này được bà con đem bón, trồng cây.

Nhờ cách xử lý quyết liệt và cách làm hay từ cấp cán bộ, mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình ở huyện Bình Giang đã được đông đảo bà con nông dân hưởng ứng và thực hiện. Đến nay việc phân loại rác thải đã trở thành thói quen không thể thiếu của các hộ nông dân.

Ông Phạm Văn Dương khẳng định, khó khăn nhất không phải là việc triển khai mà là việc duy trì thói quen này. Bởi vậy, cán bộ hội vẫn luôn sát sao đi kiểm tra, tuyên truyền, vận động để khuyến khích các liên chi hội thực hiện. Trong đó, có biểu dương, khen, chê, nêu tên các hộ làm tốt, các hộ làm chưa tốt để cùng nhau rút kinh nghiệm và phấn đấu để mô hình ngày càng hiệu quả. Từ đó giúp bà con được sống trong môi trường sạch đẹp, không ô nhiễm; rau màu được bón phân hữu cơ vừa nâng cao chất lượng vừa giảm chi phí phân bón.

Hiện tại huyện Bình Giang đang phát triển nhiều mô hình bảo vệ môi trường như "Kế hoạch không rác thải", "Phân loại rác tại hộ gia đình, "Giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm". Đây sẽ là những hoạt động đem lại giá trị thực tế cũng như bảo vệ môi trường và không khí xanh, sạch cho bà con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm