Xử trí khi trẻ nói bậy

06/08/2015 - 09:39
Chị Thanh An đã sốc nặng khi cô con gái 9 tuổi cho rằng, nếu mình đang cảm thấy bức bối, khó chịu, nói tục đôi câu thì thoải mái hơn nhiều.

Con gái chị Thanh An (ở Đồng Nai), vốn rất ngoan ngoãn, nói năng lễ phép. Nhưng đến một ngày, chị An bất ngờ khi bỗng dưng thấy con nói bậy.

Rất bực bội với cách nói năng khó chịu của con, chị An tra vấn. Không ngờ, con bé trả lời tỉnh bơ: “Các bạn ở lớp con đều nói như vậy. Con thấy khi mình đang cảm thấy bức bối, khó chịu, nói tục đôi câu thì thoải mái hơn nhiều”. Câu trả lời của con gái yêu khiến chị An sốc nặng.

Trẻ nhỏ rất nhạy cảm, song nhận thức vẫn còn hạn chế, trẻ lại hay để ý và có khả năng bắt chước rất nhanh. Con bạn có thể bắt chước cách nói bậy từ bạn bè ở trường, hay khi nghe được khi xem các bộ phim trên tivi hoặc khi đi cùng cha mẹ tới những nơi công cộng.

Nếu thấy con nói bậy, cha mẹ không nên tức giận vì rất có thể chúng không nhận biết được điều mình nói là không đúng.

Nếu thấy con nói bậy, cha mẹ không nên tức giận vì rất có thể chúng không nhận biết được điều mình nói là không đúng. Ảnh minh họa

Cha mẹ có thể làm theo những bước sau để hạn chế dần cách nói không hay của con:

- Chọn bạn cùng con: Rõ ràng những câu nói bậy của con gái chị An xuất phát từ bạn bè của cô bé. Bạn bè có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ nhưng cha mẹ không thể lúc nào cũng biết con mình chơi với ai. Để ngăn ngừa tình trạng nói bậy ở trẻ, không nên cấm con kết bạn. Tuy nhiên, bạn có thể đưa ra một số gợi ý đối với con khi chọn bạn, kiểu như “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, để trẻ hiểu được môi trường xã hội tốt có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng sau này. Khi con gặp những điều không vui, bạn cần giúp trẻ giải tỏa trạng thái tâm lý một cách tích cực, nếu không trẻ có thể lại nói bậy để... xả stress.

- Cha mẹ cần bày tỏ thái độ rõ ràng, không đồng tình khi bé văng tục: Khi con nói bậy, việc cha mẹ tỏ ra quá tức giận nổi trận lôi đình hoặc cười to sẽ khiến trẻ nghĩ rằng, những điều chúng nói gây được sự chú ý với người khác hoặc cho rằng nói như vậy là rất hay. Vì vậy, khi con văng tục, chửi bậy, bạn cần bình tĩnh và tỏ thái độ không đồng tình. Việc này không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần phải bắt nguồn từ những vấn đề cụ thể, trải qua một quá trình, như vậy thói quen tốt sẽ dần được hình thành với trẻ.

- Nhắc nhở và phạt nặng khi bé mắc lỗi nhiều lần: Khi trẻ nói bậy lần đầu, cha mẹ có thể phạt bằng hình thức nhắc nhở. Sau đó, nếu trẻ tiếp tục nói bậy, cha mẹ sẽ thực hiện các hình phạt đã cảnh báo trước đó. Nhà giáo dục Makarenko từng khuyên các bậc phụ huynh rằng: “Phải trừng phạt khi bạn xét thấy sự trừng phạt ấy có ích cho quá trình giáo dục con trẻ”.

- Khuyến khích trẻ nói lời hay và khen ngợi đúng lúc: Khi con bạn nói chuyện lễ phép và đúng mực, hãy khen ngợi ngay. Động viên, khuyến khích phải chính xác, kịp thời. Điều này sẽ khích lệ con có cách nói chuyện tích cực với mọi người, vì trẻ nhỏ rất thích được khen mỗi khi chúng làm đúng. Cha mẹ nên biết kết hợp động viên bằng vật chất lẫn tinh thần. Có khi là một cái thơm nhẹ vào má, hay một vòng tay ôm ấm áp dành cho con. Cũng có khi cha mẹ nên thưởng cho trẻ một con thú nhồi bông hay món quà nào đó mà bé mong ước.

- Cha mẹ phải gương mẫu: Trẻ nhỏ có thể bắt chước cách nói không hay từ chính cha mẹ hoặc từ những người lớn xung quanh. Bạn sẽ không thể mong con biết cách nói đúng mực và lễ phép nếu 2 vợ chồng bạn nói chuyện thô lỗ, cộc lốc với nhau. Nếu bạn vô tình nói ra một từ nào đó không tốt và để trẻ nghe được, hãy ngay lập tức xin lỗi và không được lặp lại từ đó lần sau nữa. Trẻ cũng khó có thể hình thành thói quen nói năng lịch sự lễ phép nếu sống trong môi trường gia đình mà người cha cứ uống rượu vào là nói tục chửi thề hay người mẹ suốt ngày dạy con bằng những ngôn từ “chợ búa”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm