PV: Thưa bà, được biết, ngay khi xảy ra một số vụ việc xâm hại gây mất an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong thời gian gần đây, Hội LHPN Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ và đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mới đây nhất, việc Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) ra quyết định xử phạt hành chính mức 200 nghìn đồng đối với người có hành vi quấy rối tình dục một phụ nữ trong thang máy gây bức xúc trong dư luận. Vậy Trung ương Hội có ý kiến thế nào về sự việc này?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: Ngay trong những ngày đầu tháng 3, đúng vào dịp cả nước kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” với sự hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân thì ở một số địa phương lại xảy ra những vụ việc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, gây bức xúc trong dư luận trong đó có sự việc một phụ nữ bị quấy rối tình dục trong thang máy chung cư ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Trước những sự việc này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã có trả lời phỏng vấn trên Báo, khẳng định, hành vi đó phải được toàn xã hội lên án và cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.
Trở lại vụ việc nữ sinh viên bị sàm sỡ trong thang máy, ngày 18/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) ra quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng với kẻ sàm sỡ nữ sinh viên trong thang máy chung cư ở đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào tối 4/3 do "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", theo khoản 1, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Chúng tôi cho rằng, mức xử phạt đối tượng này là quá thấp và không có tính răn đe đối với người vi phạm, thậm chí còn có thể tạo tiền lệ xấu cho cộng đồng xã hội.
PV: Trước vụ nữ sinh viên bị sàm sỡ này cũng đã xảy ra một số vụ quấy rối, xâm hại tình dục với phụ nữ, trẻ em trong thời gian qua. Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em gái, Hội đã có những động thái gì lên tiếng để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của họ?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ quấy rối, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái và các cấp Hội phụ nữ đều có những hành động lên án hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em, lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm. Có thể kể đến một số vụ việc cụ thể: Vụ một nữ cán bộ Phòng tài chính kế hoạch huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị nam đồng nghiệp xâm hại tình dục, cơ quan công an huyện Triệu Phong xử phạt hành chính 200 ngàn đồng. Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam có văn bản đề nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý thỏa đáng. Kết quả, người có hành vi vi phạm đã bị kỷ luật với hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, buộc thôi việc.
Mới đây nhất là vụ xâm hại bé gái ở Chương Mỹ (Hà Nội). Khi Công an huyện Chương Mỹ khởi tố bị can với tội danh Dâm ô trẻ em, cho tại ngoại, chúng tôi nhận thấy việc cơ quan điều tra thực hiện như vậy chưa thỏa đáng nên đã có công văn kiến nghị gửi Công an, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội. Ngay tối hôm đó, Công an Hà Nội đã rút hồ sơ vụ việc lên điều tra đồng thời ra quyết định tạm giam bị can phục vụ điều tra. Ngoài ra, trong các vụ việc liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em, các cấp Hội đều theo dõi sát sao và lên tiếng khi cần thiết dưới nhiều hình thức như trả lời trên báo chí, có văn bản kiến nghị hoặc tổ chức, tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em theo qui định.
PV: Với hành vi cụ thể của đối tượng sàm sỡ phụ nữ nhưng chỉ bị phạt 200 ngàn đồng đang gây bức xúc trong dư luận do có những hạn chế, bất cập của pháp luật. Vậy phía Hội có kiến nghị gì trong sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, mức xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đang được quy định chung với mức phạt đối với hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực khác trong cùng một điều khoản (như khoản 1 điều 5 Nghị định 167, quy định mức phạt từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng với các hành vi, “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” (điểm a) với “Thả rông động vật nuôi trong thành phố hoặc nơi công cộng” (điểm c) mà không có sự tách biệt, đề cao tinh thần bảo vệ quyền con người trong những tình huống xảy ra trên thực tế như thế này. Theo chúng tôi sự hạn chế, bất cập này vô hình chung không tạo được tính răn đe, giáo dục đối với người vi phạm cũng như bảo vệ quyền lợi của người bị hại.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã nhận thấy một số hạn chế, bất cập trong các quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP và đã có kiến nghị sửa đổi, ví dụ như: Kiến nghị sửa đổi mục 4 “vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình” theo hướng đề xuất tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi bạo lực gây ra đối với nạn nhân. Bên cạnh đó, Trung ương Hội cũng kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung hình thức xử phạt vi phạm ngoài mức phạt bằng tiền mặt để có tác dụng giáo dục, răn đe hiệu quả hơn.
Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng, Hội LHPN Việt Nam đề nghị: thứ nhất, đề nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản giải thích, hướng dẫn cụ thể đối với các hành vi liên quan đến xâm hại, quấy rối tình dục (hiếp dâm, dâm ô, quấy rối tình dục…) và chế tài áp dụng để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội để các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em được giải quyết nghiêm minh, kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội; Thứ hai, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung NĐ 167/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức phạt phù hợp tương ứng với hành vi vi phạm liên quan đến xâm hại, quấy rối tình dục.
PV: Những bất cập, hạn chế của quy định pháp luật chưa thể sửa đổi ngay trong một sớm, một chiều. Vậy bên cạnh việc đề nghị sửa đổi thì chẳng nhẽ không còn hình thức hoặc biện pháp nào khác đối với những hành vi như vậy?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: Chúng tôi cho rằng việc xã hội lên án, cộng đồng lên tiếng cũng như cơ quan, đơn vị quản lý người này có các biện pháp giáo dục là một kênh cần thiết, hữu hiệu góp phần hạn chế những hành vi lệch chuẩn của xã hội, vi phạm pháp luật. Bởi một khi cùng cộng đồng lên án với những hành vi vi phạm, lệch chuẩn đó thì chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo trật tự, an xã hội nói chung, đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em nói riêng.
Về phần mình, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục các hoạt động thiết thực, cụ thể trong việc tăng cường tuyên truyên trong cộng đồng về an toàn phụ nữ và trẻ em để cả xã hội cùng chung tay bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra, các cấp Hội sẽ sát sao, kịp thời hơn nữa trong việc giám sát, lên tiếng trước các hành vi mất an toàn, xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em gái. Tại các phiên họp của Chính phủ trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những hạn chế trong Nghị định này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!