Nội dung giải trình phải gửi về Văn phòng Bộ trước ngày 31/7.
Trước đó ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có văn bản chất vấn gửi tới Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề: Từ năm 2013 cùng với chính sách xã hội hóa nghề phi công, việc tuyển chọn phi công chỉ còn tính hình thức, xuất hiện nhiều tiêu cực trong quá trình tuyển chọn đào tạo cũng như phỏng vấn, kiểm tra, huấn luyện các phi công; Việc quy định về thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi hoàn chi phí đào tạo phi công trái với quy định của Bộ luật Lao động.
Trong văn bản chất vấn ông Cương nêu rõ, hiện có tình trạng đa số các trường dạy bay là trường nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ, học phí thấp kéo theo tình trạng chất lượng giảng dạy cũng thấp theo. Có một số trường hợp học viên phi công rất yếu kém chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học, thậm chí đóng tiền để có chứng nhận đủ giờ bay.
Ông Cương cũng nêu tình trạng các học viên phải nộp 20.000 – 25.000 USD cho một lần phỏng vấn (phỏng vấn học viên từ Mỹ về để chuyển loại máy bay A321, phỏng vấn để chuyển loại từ lái phụ A321 sang lái phụ loại máy bay khác như A350, hoặc B787, phỏng vấn để nâng cấp lái phụ trở thành cơ trưởng...).
Ông Cương khẳng định những tiêu cực này không thể do một cá nhân thực hiện mà phải có tổ chức.
Với những tiêu cực nêu trên, ông Cương kết luận “kết quả là chất lượng đa số phi công là kém”, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay.