Mỗi lần bà gọi điện là lại có nhu cầu nói chuyện về tiền bạc (Ảnh minh họa)
Hồi chúng tôi mới yêu nhau, anh đưa tôi về nhà, gặp mẹ anh, tôi đã sớm nhận ra bà là người ưa tính toán, thích nói chuyện vật chất. Lúc ấy, tôi có cảm giác không thích lắm nhưng cũng chặc lưỡi cho qua, bởi tôi rất yêu anh và tự nhủ cưới xong ở riêng, đâu có sống cùng bà nên chắc cũng sẽ không vấn đề gì.
Khi đã trở thành con dâu, tôi mới thấy dù không sống cùng nhau nhưng cái tính thực dụng của bà vẫn thường xuyên “liên đới” đến tôi. Ví dụ, mỗi cuối tuần 2 đứa sang thăm nhà thì lại là dịp tôi phải đối mặt với việc bị mẹ chồng săm soi: “Tuần này có gì mang về biếu bố mẹ không?”. Nếu có thì “Con mua món quà này trị giá bao nhiêu tiền?”. Rồi lúc mẹ con trò chuyện, bà hay tỉ tê hỏi tôi về công việc, lương thưởng, chi tiêu hàng ngày. Khi biết bố mẹ tôi từ quê lên chơi, bà cũng hỏi xem tôi đã biếu bố mẹ mình bao nhiêu, đưa ông bà đi mua sắm gì, việc tiếp đón tốn kém ra sao, sao ông bà ở chơi lâu thế, lúc họ về tôi mua quà gì gửi về theo? Trong các bữa ăn dịp cuối tuần, bà hay liệt kê cho cả nhà biết là mọi người đang ăn tốn kém bao nhiêu, bằng cách vanh vách kể ra giá cả từng loại thực phẩm…
Không những thế, mỗi lần điện thoại của chồng tôi rung lên báo là mẹ đang gọi thì y như rằng bà có nhu cầu trò chuyện về tiền. Khi thì bà cằn nhằn là tháng này hết tiền tiêu vì đi đám hiếu, hỉ nhiều quá. Lúc thì mẹ thông báo rằng đang muốn sửa lại cái nhà tắm, các con xem có ủng hộ được gì về kinh phí. Lần thì mẹ kể bà bạn đang rủ đi tập yoga, nếu các con biếu mẹ tiền thì mẹ sẽ đăng ký. Hôm thì mẹ lại bảo: “Đang cần tiền gấp, các con cho mẹ vay”… Xen giữa những yêu cầu, bà còn có thói quen so sánh, kể lể con ông nọ, bà kia có hiếu như thế nào, thường xuyên biếu xén, chăm lo cho bố mẹ ra sao…
Tuy nhiên, điều bà làm tôi đặc biệt không thích là thái độ. Chồng tôi vốn dễ tính, lại ngoan, thường chiều theo ý mẹ. Vào những lần tôi đồng tình với anh, chúng tôi cùng làm theo ý mẹ, thường xuyên biếu xén quà cáp, mẹ cần bao nhiêu tiền cũng đưa, mẹ hỏi vay, nhờ mua giúp cái gì cũng vui vẻ làm theo rồi bảo: “Thôi, chúng con không lấy tiền của mẹ đâu”, bà rất vui vẻ, niềm nở. Song, đôi khi vợ chồng tôi cũng bị rơi vào thế kẹt tiền và không thể chiều lòng mẹ được. Những lúc ấy, bà đối xử khác hẳn: Lạnh nhạt, thờ ơ, trách móc, gây chuyện khiến cho sau đó, bao giờ giữa chúng tôi cũng xảy ra xung đột, đổ lỗi, trách cứ lẫn nhau…
Một lần, từ nhà bố mẹ chồng về, chúng tôi đã cãi nhau nhiều đến mức cả tuần coi nhau như xa lạ. Sau cùng, tôi buộc phải lên tiếng trước bằng cách nhắn tin cho anh: “Anh cho rằng em sai, em không có hiếu với mẹ anh. Nhưng giả sử một ngày nào đó em bị thất nghiệp, đau ốm, không đủ khả năng kiếm tiền để góp vào cùng anh chăm lo gia đình mình và biếu xén mẹ, hẳn lúc ấy mẹ sẽ ghét em lắm. Còn anh thì cũng sẽ giận và im lặng với em mãi? Liệu ngoài cách cư xử tiền bạc, vật chất ra, em và mẹ anh không còn gì gọi là quan trọng để duy trì sự bền vững?”. Sau khi tin nhắn của tôi gửi đi được một lát thì thấy hồi âm của chồng. Có thể anh đã suy nghĩ, cân nhắc nhiều rồi nói với tôi 3 từ: “Anh xin lỗi!”.
Sau đó, chính anh chủ động đứng ra “đối phó” với mẹ. Mỗi lần mẹ đề cập đến chuyện tiền bạc, nếu anh thấy hợp lý thì sẽ đồng ý, nếu thấy chưa ổn thì từ chối một cách khéo léo. Ngoài ra, trước sự quan tâm, so đo, hay thể hiện thái độ thái quá của mẹ về tiền bạc, anh đã lên tiếng phản đối nhưng theo kiểu góp ý tế nhị để mẹ cảm thấy hợp lý, không tự ái. Dần dần, tôi nhận thấy mẹ chồng đã có những đổi thay dễ chịu hơn.
Giảm lối sống thực dụng
- Trong gia đình, nếu có người quá đề cao đồng tiền thì các thành viên còn lại không nên thờ ơ hoặc dung túng. - Cần có thái độ phản đối một cách rõ ràng và góp ý khéo léo, chân thành. - Cùng chia sẻ, thống nhất với nhau về quan điểm: Tiền rất quan trọng nhưng không phải là thứ quyết định tất cả những gì liên quan đến tình cảm, hạnh phúc. |