10 'bí kíp' bỏ túi giúp thí sinh làm tốt bài thi THPT Quốc gia 2018

22/06/2018 - 12:20
Làm thế nào để có thể làm bài thi một cách tốt nhất là câu hỏi của hơn 900.000 thí sinh trên cả nước khi chỉ còn 2 ngày nữa, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ bắt đầu. Dưới đây là 10 'bí kíp' bỏ túi giúp thí sinh làm tốt bài thi THPT 2018 được các thầy cô giáo ở Hệ thống giáo dục Hocmai chia sẻ sau nhiều năm ôn luyện cho các thí sinh.
  1. Trước ngày thi, hãy ngủ một giấc

Buổi tối trước ngày thi, thí sinh nên tạm thời dừng lại mọi hoạt động học tập. Hãy dành thời gian để ngủ sớm, để tỉnh táo làm bài vào sáng hôm sau.

  1. Làm sao để bớt hồi hộp?

Nếu thấy hồi hộp, lo lắng, hãy hít thở sâu vài lần và uống một ít nước để lấy lại sự bình tĩnh trong khi làm bài.

_toanquy_trung_6.jpg
Thí sinh xem lại bài sau khi thi trung học phổ thông quốc gia 2017

 

  1. Câu dễ làm trước, câu khó làm sau

Điểm các câu hỏi thi trắc nghiệm là ngang nhau nên nguyên tắc làm bài thi là câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Đề thi có cấu trúc 50 câu hỏi, thường sắp xếp từ dễ đến khó nên khi làm bài, thí sinh nên bắt đầu làm từ câu một trở đi. Nếu gặp câu khó, bỏ qua để tìm câu dễ làm trước.

  1. Làm đến đâu, tô đáp án đến đó

Làm xong câu nào thì hãy tô đáp án của câu đó vào ngay trong phiếu trả lời, tránh trường hợp nhầm lẫn và thiếu sót khi tô đáp án.

  1. Phân bổ thời gian hợp lý

Sau khi nhận đề thi, khoảng 20 phút đầu, thí sinh nên làm một lượt các câu hỏi dễ từ trên xuống (thường từ câu 1 đến câu 25).

Tiếp 30 phút sau, các em sẽ làm những câu ở mức vận dụng (từ câu 25 đến câu 40) lưu ý khi làm các câu hỏi này phải phân chia thời gian cho hợp lý, mỗi câu hỏi chỉ làm khoảng 2 phút, nếu từ 2 đến 3 phút vẫn chưa giải ra đáp án thì hãy bỏ qua và tập trung làm câu hỏi khác.

10 câu hỏi cuối cùng thường sẽ là các câu hỏi vận dụng cao và cực khó. Đến đây thì tâm lý của các em cũng đã thoải mái hơn vì đã xử lý được các câu hỏi cơ bản và vận dụng ở trên, vì thế các em sẽ tự tin để giải những câu hỏi vận dụng cao. Thời gian dành cho các câu hỏi khó khoảng 30 phút.

hoc_mai.JPG
Các giáo viên của Hệ thống Hocmai tư vấn cách ôn thi cho thí sinh

 

10 phút còn lại, thí sinh cần rà soát lại tất cả các đáp án mà mình đã giải và phiếu tô cho chính xác.

  1. Câu hỏi dễ: Làm đến đâu, chắc đến đó

Các câu hỏi dễ thì làm đến đâu phải “ăn” chắc điểm đến đó, để không phải mất thời gian rà soát lại nữa mà chỉ nên rà soát lại những câu khó.

  1. Câu hỏi còn phân vân: Đánh dấu để rà soát lại

Mỗi câu hỏi có 4 đáp án cho thí sinh lựa chọn, thường sẽ có một đáp án sai hoàn toàn, một đáp án đúng 50%, một đáp án đúng 80%, một đáp án đúng 100%. Nếu không biết đáp án chính xác ngay, thí sinh có thể dùng phương pháp loại trừ để tìm câu trả lời đúng. Nếu vẫn phân vân, hãy đánh dấu để kiểm tra lại trước khi làm những câu khó và dài.

  1. Gặp câu hỏi khó: 'Bí kíp'… chọn bừa

Với những câu không làm được, đừng tốn thời gian băn khoăn về việc nên chọn đáp án nào vì khả năng chọn đáp án đúng cho mỗi câu là 25%. Phương án ít rủi ro nhất trong việc trả lời các câu hỏi này là chọn toàn bộ các câu còn lại với duy nhất một đáp án, đó là đáp án xuất hiện ít nhất trong các câu chắc chắn đúng.

  1. Cả đề khó: Đừng lo lắng vì khó là khó chung

Hãy xác định đề khó hay đề dễ không quan trọng, nếu khó thì đó là khó chung, nếu dễ thì cũng là dễ chung. Vì thế, thí sinh không nên quá lo lắng, dẫn đến mất bình tĩnh trong quá trình làm bài và hiệu quả bài làm sẽ không cao. Điều quan trọng là làm đúng được nhiều nhất những gì trong đề so với mức độ kiến thức của mình.

  1. Chuẩn bị đồng hồ bấm giờ
Thí sinh nên chuẩn bị sẵn cho mình một chiếc đồng hồ nhỏ để bấm giờ. Việc này sẽ giúp thí sinh tự chủ động xác định được thời gian chính xác để khoanh các đáp án. Câu dễ thì xử lý xong trong vòng từ 40 giây đến 1 phút, câu vận dụng cao làm trong khoảng 2 phút.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm