pnvnonline@phunuvietnam.vn
100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: Vai trò, địa vị của phụ nữ ngày càng được nâng cao
100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ngày 1/7/2021 đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/1921 - 1/7/2021). Đây không chỉ là sự kiện trọng đại đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn là dấu mốc quan trọng đối với toàn thể nhân dân Trung Quốc cũng như sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trong 100 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không ngừng phát triển lớn mạnh, từ lúc chỉ có khoảng 60 đảng viên khi mới thành lập đã lên tới gần 92 triệu đảng viên. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước, với dấu mốc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong 100 năm qua, đặc biệt sau 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao… Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 189 lần; tổng lượng thương mại đứng đầu thế giới; là đối tác thương mại lớn nhất của 130 nền kinh tế; đóng góp khoảng 30% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. GDP bình quân đầu người tăng hơn 70 lần.
Sau đại hội Đảng lần thứ 19, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đã bầu Bộ Chính trị gồm 25 ủy viên do Tổng Bí thư Tập Cận Bình đứng đầu. Nhân vật nữ duy nhất có mặt trong Bộ Chính trị là bà Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) - Phó Thủ tướng, nguyên Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương.
Trước đây, bà Tôn Xuân Lan là Ủy viên Dự khuyết Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 15 và 16 và là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17, khóa 18. Bộ Chính trị khóa 18 có 2 ủy viên nữ, gồm bà Tôn Xuân Lan và bà Lưu Diên Đông. Trước bà Tôn Xuân Lan, nữ Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc nổi tiếng là Phó Thủ tướng Ngô Nghi, được mệnh danh là "người đàn bà thép" của Trung Quốc.
Ngoài ra, theo Liên đoàn Phụ nữ Toàn Quốc Trung Hoa (ACWF), tỷ lệ nữ đại biểu trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội hiệp thương chính trị chiếm 23,4%. Hơn 230 lãnh đạo cấp bộ, tỉnh là nữ giới. 90% các cơ quan của tỉnh, thành, các cấp ủy đảng, đại hội đại biểu nhân dân, tổ chức hiệp thương chính trị có ít nhất 1 vị lãnh đạo là nữ giới.
Trao quyền cho phụ nữ
Trung Quốc đã ban hành và sửa đổi một loạt các bộ luật liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, bao gồm Luật Lao động, Luật bảo vệ bà mẹ trẻ em, Luật hôn nhân, Luật dân số và kế hoạch hóa, Luật khế ước đất nông nghiệp, Luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ, Luật bất động sản, Luật lao đông, Luật xúc tiến việc làm… Năm 1992, Trung Quốc lần đầu tiên ban bố một bộ luật đặc biệt, lấy chủ thể là phụ nữ, lấy bảo vệ toàn diện quyền lợi hợp pháp của phụ nữ làm nội dung chính là Luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ Trung Quốc.
Năm 1995, Trung Quốc lần đầu ban bố Đề cương phát triển phụ nữ (1995-2000), năm 2000 đưa ra "Đề cương phát triển phụ nữ Trung Quốc" (2001-2010), xác định 6 lĩnh vực phát triển phụ nữ, trong đó có 34 hạng mục chủ yếu và hơn 100 sách lược thực thi, đối với các cấp chính phủ và bộ ngành liên quan thực hiện đề cương tiến hành lượng hóa và chi tiết hóa. Từ năm 2000, Chính phủ Trung Quốc đã liên tục thực thi đề cương phát triển phụ nữ trẻ em vào phát triển kinh tế xã hội toàn dân, thể chế hóa pháp luật.
Qua "Chương trình quốc gia về phát triển phụ nữ giai đoạn 2011-2020", địa vị của phụ nữ Trung Quốc được nâng cao rõ rệt, sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ bước vào một thời kỳ tốt đẹp chưa từng có. Tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, tỉ lệ nữ giới nắm giữ những vị trí quản lý cấp trung và cao hiện lên tới 35,6%, tăng 75% so với năm 2011. Ở thành thị, ý thức tự lập nghiệp của nữ giới không ngừng tăng cao, chiếm 21%. Đội ngũ các doanh nghiệp nữ không ngừng lớn mạnh, chiếm 25% tổng số doanh nghiệp của Trung Quốc. Khoảng một nửa trong số gần 20 nữ tỉ phú tự thân của thế giới hiện nay đã xây dựng nên sự nghiệp của mình tại Trung Quốc.
Tỉ lệ nữ giới có trình độ đại học và sau đại học lần lượt là 51,7%, 49% tổng số sinh viên. Phụ nữ làm trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật chiếm 41% tổng số. Tỉ lệ các nữ viện sĩ trong các viện khoa học, viện công trình ở Trung Quốc chiếm hơn 9,1%.