101 cách thay thế túi nilon nhìn từ kinh nghiệm thế giới

30/06/2018 - 13:03
Ô nhiễm môi trường từ túi nilon không còn là vấn đề của riêng quốc gia nào mà là vấn nạn của toàn cầu. Để giải quyết bài toán này, nhiều sáng kiến sản xuất túi thân thiện với môi trường đã ra đời.
Túi nilon tự hủy thân thiện môi trường
 
bioplastic_bag-2.jpg
Túi nilon thân thiện với môi trường
 
Việc đánh thuế túi nilon đã mở đường cho việc phát triển và phổ biến nhiều loại túi thân thiện với môi trường. Bao bì tự phân hủy hiện được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện môi trường sống mà vẫn đảm bảo nhu cầu sử dụng của con người. Một trong số đó là túi nilon phân hủy sinh học được làm từ vật liệu có nguồn gốc thực vật. Giải pháp này đã được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến như Anh (túi làm bằng bột sắn), Ý (túi làm từ cám bắp). Ở Pháp, túi sinh học sau khi dùng xong, trộn với một số rác thực vật khác, ủ lại thì có thể tự hủy trong vòng 2-3 tháng).
 
Từ cuối năm 2009, các nhà khoa học tại trường Đại học Tổng hợp Campinas (Brazil) cũng đã giới thiệu một loại túi nilon sinh học mới có khả năng tự hủy rất nhanh. Đây là loại túi được làm từ cây Quinoa, một loại cây lương thực sinh trưởng tại vùng núi Andes. Ưu điểm nổi bật của loại túi này là có thể tự tiêu hủy dưới tác động của vi sinh vật (chôn dưới đất) chỉ trong vòng 18 ngày.
 
paul-tasner.jpg
Vợ chồng kỹ sư người Mỹ Paul Tasner chế tạo loại bao bì dễ phân hủy

 

Kỹ sư người Mỹ Paul Tasner đã chế tạo thành công loại bao bì có thể dễ dàng phân hủy trong đất. Karta Pack là loại bao bì có cùng chất lượng như các loại túi nilon khác song có kết cấu không bền vững về phương diện sinh học nên có thể dễ phân hủy. Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất loại sản phẩm này là bột giấy từ các loại giấy báo và bìa tái chế, vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Karta Pack còn được sản xuất với nhiều hình dáng và mẫu mã hấp dẫn, có màu sắc, tạo ra cảm giác thú vị cho người sử dụng.
 
Hiện công ty của ông Tasner có 6 đối tác tại 5 nước trên các châu lục khác nhau và các công ty này đều chỉ sử dụng những nguyên liệu sinh học địa phương để sản xuất bao bì. Tại Trung Quốc sẽ sử dụng tre và bã mía, trong khi các đối tác tại Canada lại dùng rơm, lúa mì và các chất liệu khác nữa để sản xuất bao bì.
 
asthwash-hedge.jpg
Asthwash Hedge với túi nilon được làm từ khoai tây và tinh bột sắn

 

Doanh nhân Ấn Độ Asthwash Hedge đã sáng chế ra chiếc túi nilon được làm từ khoai tây và tinh bột sắn. Công ty của anh có tên EnviGreen, hiện nay công suất sản xuất 100% những chiếc túi hữu cơ, có thể tự phân hủy và thân thiện với môi trường. Điều đặc biệt là những chiếc túi này có độ bền và mang đến cảm nhận giống y như chúng ta đang sử dụng túi nilon. Chiếc túi nilon này còn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, ngay cả mực in trên túi cũng được chọn từ nguyên liệu hữu cơ, hoàn toàn tự nhiên.
 
kevin-kumala.jpg
Kevin Kumala với túi nilon làm từ củ mì và mía
 
Doanh nghiệp Indonesia Kevin Kumala cũng đã đưa ra sáng kiến độc đáo là chế tạo những chiếc túi làm từ sắn. Doanh nghiệp này hiện nay đang cung cấp tới 3 tấn túi 'khoai mì' cho rất nhiều cửa hiệu, khách sạn tại Indonesia. Ngoài ra, Kevin cũng đã phát triển được các sản phẩm cho đồ ăn nhanh như cốc, ống hút, dao dĩa dùng một lần và các sản phẩm đều được làm từ khoai mì và mía. 
Túi giấy
 
tui-giay-3a.jpg
Túi giấy đựng thức ăn

 

Từ hàng chục năm nay, túi giấy được nhiều nước châu Âu khuyến khích sử dụng. Giấy được làm từ nguyên liệu tự nhiên là gỗ, dễ tái chế và thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe con người và môi trường sống, thời gian phân hủy của nhanh hơn so với túi nilon. Vì vậy, có thể khẳng định rằng việc sử dụng túi giấy là rất cần thiết, không chỉ bảo vệ sức khỏe con người mà còn giúp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó việc in ấn túi giấy giá rẻ, không cần đầu tư nhiều. Và việc sử dụng các loại giấy tái chế để làm túi giấy sẽ giúp cho việc bảo vệ môi trường được tốt hơn rất nhiều.
 
Túi vải
 
tui-gai.jpg
Túi gai
 
Những chiếc túi sinh thái được làm từ chất liệu vải thân thiện với môi trường như vải đay, bao bố, gai… không sử dụng thuốc tẩy trắng hay hoá chất tạo màu, có thể tái sử dụng nhiều lần. Độ bền của túi vải lên đến 5 năm, cháy không độc, không mùi vị và phân huỷ hết không gây ô nhiễm môi trường, được quốc tế công nhận sản phẩm sinh thái thân thiện môi trường bảo vệ Trái đất. Từ tháng 3/2002, Bangladesh  đã cấm dùng túi nylon. Lệnh cấm này khiến ngành công nghiệp sản xuất túi đay phục hồi cũng như thúc đẩy sự phát triển của các loại túi phân hủy khác.
 
Túi môi trường
 
tui-eco.jpg
Túi thân thiện với môi trường

 

Nhiều người tiêu dùng hiện nay đã có thói quen mang theo túi môi trường khi đi chợ hoặc siêu thị để không sử dụng túi nilon. Nhiều hệ thống siêu thị lớn trên khắp toàn cầu nhiều năm nay đã khuyến khích khách hàng đổi sang loại túi môi trường thay thế cho túi nilon đựng hàng. Người tiêu dùng mua loại túi này tùy kích cỡ. Loại túi này khá chắc chắn và có bao bì bắt mắt, khách hàng có thể sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm.
 
Hình thức phạt đối với những người sử dụng túi nilon ở các nước: 
Năm 2017, Kenya đã chính thức quy việc sản xuất, sử dụng túi nilon là bất hợp pháp. Bất cứ ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 4 năm tù và phạt 38.000 USD
Chính phủ Nam Phi cấm dùng túi nylon siêu mỏng từ tháng 5/2003. Những nhà bán lẻ phát loại túi này cho khách hàng có thể bị phạt 100.000 rand ((13.800 USD) hoặc 10 năm tù giam. 
Canada, một số vùng cấm dùng túi nilon và yêu cầu thay thế bằng túi vải hoặc túi giấy, nếu vi phạm sẽ bị phạt 1.000 đô la Canada
Có hiệu lực từ tháng 1/2017, lệnh cấm của Ấn Độ buộc tất cả các tập đoàn và cơ quan công quyền khác phải có biện pháp giảm sử dụng túi nilon. Thực tế, 8 năm trước, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm sử dụng, lưu trữ và bán túi nilon tại Delhi. Vi phạm lần đầu sẽ bị phạt tiền lên tới 366 USD và phạt tù nếu tái phạm. Mức phạt có thể lên tới 5 năm tù giam đối với người bị phát hiện mang theo túi nilon ở thủ đô. Ngoài ra, những khách hàng, chủ cửa hàng… sử dụng túi nilon đều có thể bị phạt tới 100.000 rupee (khoảng 1.498 USD) hoặc chịu một án tù. 
Nhiều quốc gia hoặc một phần lãnh thổ cũng áp dụng lệnh cấm hoặc tính phí đối với việc sử dụng và cung cấp túi nilon được kể đến như: Anh (2015), Mexico (2010), Australia (2008), Trung Quốc (2008), Brazil (2007), Bangladesh (2002), Pháp (2007), Bỉ (2007)… Tại Mỹ, từ tháng 7/2014, 20 bang và 132 thành phố trở thành đối tượng áp dụng  1 trong 2 lệnh cấm trên. Tại Đan Mạch, từ năm 2003, các nhà chức trách đã đưa ra một loại thuế mới đánh vào các nhà bán lẻ sử dụng túi nilon. Điều đó được cho là đã giúp hạn chế tới 66% túi nilon sử dụng trong các giao dịch mua bán tại đây. 
Còn ở Ireland năm 2002, người tiêu dùng phải chi thêm 0,15 euro (0,158 USD)/túi nilon nếu dùng sản phẩm này. Mức tiền tăng đến 0,22 euro (0,233 USD)/túi nilon trong năm 2007. Số tiền phí trên được chuyển vào quỹ môi trường của Ireland. Sau thời gian áp dụng chương trình, 90% người tiêu dùng đã tái sử dụng túi nilon nhiều lần trong một năm thay vì dùng 1 lần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm