pnvnonline@phunuvietnam.vn
12 câu hỏi thường gặp về bệnh đau mắt đỏ
- 1. Đau mắt đỏ là bệnh gì?
- 2. Tác nhân nào gây bệnh đau mắt đỏ?
- 3. Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ là gì?
- 4. Đau mắt đỏ có tự khỏi không?
- 5. Đau mắt đỏ có lây không?
- 6. Con đường truyền nhiễm của bệnh đau mắt đỏ là gì?
- 7. Nhìn người bệnh có bị lây đau mắt đỏ không?
- 8. Đối tượng nào dễ bị đau mắt đỏ?
- 9. Phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ có nguy hiểm không?
- 10. Loại thuốc nào giúp đặc trị bệnh đau mắt đỏ?
- 11. Nhỏ nước muối sinh lý Natri clorid có giúp chữa khỏi bệnh đau mắt đỏ không?
- 12. Khi bị đau mắt đỏ có được dùng máy tính không?
1. Đau mắt đỏ là bệnh gì?
Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng kết mạc và lớp màng trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu bị viêm nhiễm, tấy đỏ.
2. Tác nhân nào gây bệnh đau mắt đỏ?
- Virus: Tác nhân gây đau mắt đỏ phổ biến nhất là do virus. Điển hình là Adenoviruses type 1-5, 7, 14 và 21 vừa gây bệnh đau mắt đỏ, vừa gây viêm họng hạch. Adenovirus týp 5, 8, 19 thường gây ra các trường hợp đau mắt đỏ nghiêm trọng.
- Vi khuẩn: Thường là do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus,...
- Dị ứng: Có thể là dị ứng thực phẩm, phấn hoa, gió, bụi, thuốc, lông động vật, khói, hóa chất,....
3. Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ là gì?
- Mắt đỏ.
- Chảy nước mắt sống.
- Cộm và ngứa mắt.
- Mắt tiết nhiều ghèn.
- Có thể có sốt nhẹ, đau họng hoặc nổi hạch ở cằm và trước tai.
4. Đau mắt đỏ có tự khỏi không?
Đau mắt đỏ có thể tự khỏi. Thường sẽ mất vài ngày đến khoảng 2 tuần đối với các trường hợp nhiễm trùng nhẹ. Tuy nhiên, bạn vẫn nên thảo luận với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc mắt tốt nhất, giúp mắt nhanh hồi phục và tránh được các biến chứng nguy hiểm.
5. Đau mắt đỏ có lây không?
Nếu bệnh đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn gây ra thì có khả năng lây nhiễm rất cao. Nếu là đau mắt đỏ do dị ứng thì không lây.
6. Con đường truyền nhiễm của bệnh đau mắt đỏ là gì?
- Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân qua ôm, hôn, bắt tay, giao tiếp khoảng cách gần,...
- Tay chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như đồ dùng cá nhân của bệnh nhân, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa,... sau đó lại chạm tay vào mắt.
- Sử dụng nguồn nước có nhiễm mầm bệnh để rửa mặt và sinh hoạt.
7. Nhìn người bệnh có bị lây đau mắt đỏ không?
Nhìn nhau làm lây lan đau mắt đỏ là quan niệm sai lầm. Đau mắt đỏ chỉ lây qua nước mắt, nước bọt, ghèn, vật dụng,... có chứa mầm bệnh.
8. Đối tượng nào dễ bị đau mắt đỏ?
Đây là bệnh truyền nhiễm nên các đối tượng có sức miễn dịch kém rất dễ bị đau mắt đỏ, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em cũng chưa có ý thức vệ sinh cao nên bệnh càng dễ lây nhiễm.
Khả năng nhiễm bệnh ở người cao tuổi sẽ thấp hơn một chút bởi mô kết mạc đã lão hóa và xơ, không phải điều kiện lý tưởng do vi khuẩn và virus phát triển.
9. Phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ có nguy hiểm không?
Bản chất của bệnh đau mắt đỏ sẽ không ảnh hưởng đến mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu có dùng thuốc để điều trị thì thuốc có thể tác động đến thai nhi. Do đó cần đi thăm khám cẩn thận để được tư vấn cách điều trị bệnh đau mắt đỏ an toàn nhất.
10. Loại thuốc nào giúp đặc trị bệnh đau mắt đỏ?
Hiện tại chưa có thuốc đặc trị đau mắt đỏ. Hầu hết bệnh nhân được yêu cầu chăm sóc và vệ sinh mắt sạch sẽ thì bệnh sẽ thuyên giảm trong vòng 1 - 2 tuần. Bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc chống dị ứng,... để hỗ trợ điều trị, giúp mắt nhanh hồi phục hơn.
11. Nhỏ nước muối sinh lý Natri clorid có giúp chữa khỏi bệnh đau mắt đỏ không?
Nước muối sinh lý không có tác dụng điều trị bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên nó giúp vệ sinh mắt sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn và virus sinh sôi. Từ đó giúp giảm các triệu chứng và mắt nhanh hồi phục hơn.
12. Khi bị đau mắt đỏ có được dùng máy tính không?
Khi bị đau mắt đỏ, mắt đã bị tổn thương và suy yếu rất nhiều. Ánh sáng từ điện thoại, máy tính hoặc tivi sẽ làm mắt căng thẳng và kích thích hơn, gây cộm và chảy nước mắt nhiều hơn. Do đó, cần hạn chế sử dụng các thiết bị này ít nhất có thể.