Ra mắt vào năm 2005, ‘Giải phóng Sài Gòn’ nhanh chóng trở thành bộ phim không thể thiếu mỗi dịp kỷ niệm Giải phóng miền Nam (30/4/1975) vì những ý nghĩa lớn lao nó mang lại. Đó không chỉ khắc họa sự khốc liệt của chiến tranh mà còn thể hiện niềm tự hào của cả dân tộc.
“Giải phóng Sài Gòn” tái hiện lại những sự kiện lịch sử chính trong tiến trình Quân giải phóng tiến vào thành phố Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện và giải phóng hoàn toàn thành phố. Nhiều người ban đầu nhận xét, phim ít tính truyện nên mới xem qua sẽ tưởng đó là phim tài liệu. Nhưng dần dần đạo diễn đã kéo người xem vào mạch qua sự dẫn dắt của người kể chuyện.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chỉ đạo một cuộc họp quan trọng |
Dù “Giải phóng Sài Gòn” không có tuyến nhân vật chính nhưng mỗi nhân vật hiện lên lại mang một thần thái rất riêng và nổi bật lên hết là sự kiên cường, quyết đoán, mưu lược của Tướng Giáp, Tổng Bí thư Lê Duẩn...
Trong một lần phỏng vấn vào năm 2005, NSƯT Hà Trọng Văn cho biết, vai Tổng Bí thư Lê Duẩn là một vai diễn áp lực với ông, dù đã vào nhiều vai lãnh tụ, tướng tá. Thậm chí, đạo diễn Long Vân đã phải mất tới 6 lần ngỏ lời, thuyết phục thì Hà Trọng Văn mới nhận lời. Biết Hà Trọng Văn áp lực, đạo diễn Long Vân đã rất chau chuốt cho vai diễn. Ngay cả con gái của TBT cũng đến trường quay để động viên ông. Suốt thời gian từ ngày nhận kịch bản đến khi đóng máy, ông trăn trở với vai diễn đến quên ăn quên ngủ. Cuối cùng, sau nhiều năm, kinh qua nhiều vai diễn, ông vẫn cho rằng đó là vai diễn để đời.
Còn với NSƯT Khương Đức Nhuận, vai diễn đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến ông mất ngủ nhiều ngày liền và ép cân trong 3 năm (để sút 5kg) thì mới đủ tiêu chuẩn để vào vai. Suốt 3 năm liền ông phải mặc áo mưa chạy ép cân, bất kể trời giông bão. Ngoài luyện hình thể, ông từng diện kiến Đại tướng 5 lần để trò chuyện và nghiên cứu rất nhiều tư liệu rồi quan sát từng cử chỉ của người.
đạo diễn Long Vân |
Không chỉ diễn viên mà ngay cả đạo diễn Long Vân cũng phải nghiên cứu rất nhiều từng điểm nhấn của chiến dịch Hồ Chí Minh. Thậm chí ông từng nhập viện cấp cứu vì kiệt sức.
“Giải phóng Sài Gòn” được thực hiện trong 13 năm, là bộ phim lâu kỷ lục của điện ảnh Việt Nam. Nói về sự kéo dài này, đạo diễn Long Vân kể, kịch bản đã có từ năm 1992 nhưng phải đến năm 2000 mới xin được kinh phí để thực hiện. Sau đó, phải di chuyển nhiều, đợi các đơn vị bộ đội chuẩn bị quân trang, đạn dược...
Cuộc gặp gỡ giữa chị hai Sài Gòn và anh giải phóng quân |
Ngay cả việc chuyển vũ khí, xe tăng vào trường quay cũng gặp nhiều khó khăn. Để kéo được 40 chiếc xe tăng vào thành phố Sài Gòn, đoàn làm phim đã phải xin phép Bộ Tổng tham mưu ngày giờ chính xác và dùng những chiếc xe 10 tấn kéo từng chiếc xe tăng đi qua thành phố mà không làm tổn hại, xáo trộn cuộc sống của người dân. Còn để vận chuyển 1.000 khẩu AR15 đến trường quay, cả đoàn làm phim phải vượt qua chặng đường khó khăn khi liên tục phải trình báo và giữ bí mật phòng cướp. Trong phim, dù đã làm 30 người nộm để ném vào chiến trường phòng xảy ra thương vong nhưng cuối cùng vẫn có 4 người bị thương nhẹ.
Đạo diễn của “Giải phóng Sài Gòn” không tiếc tay để có những thước phim đẹp dù phải đầu tư đến 12,5 tỷ đồng – con số khổng lồ vào năm 2005 dành cho các dự án phim. Ông đã huy động tới 6 tấn thuốc nổ TNT, 450 quả đạn pháo, thuốc súng mỗi loại 1 tạ, 4 chiếc máy bay F5E... Cảnh người chết ngổn ngang, xe tăng chẹt qua người được Long Vân thể hiện không thể chân thực hơn nữa.
Hình ảnh trong phim |
Thế nhưng, “Giải phóng Sài Gòn” không phải một bộ phim “rặt” cảnh chết chóc, bom đạn, nổi lên trên hết là sự gặp gỡ, chia ly của các gia đình trong chiến tranh. Đây là cách nhìn nhận sâu sắc của những người đã có khoảng thời gian dài chiêm nghiệm.
“Giải phóng Sài Gòn” do đạo diễn NSƯT Long Vân thực hiện. Phim có sự tham gia của NSƯT Hà Văn Trọng, NSƯT Khương Đức Thuận, Hoàng Quân Tạo, Dương Trọng Hiếu...