2 chị Hà, 2 số phận

25/06/2016 - 10:54
Một người vừa được cả nước biết đến khi số phận phủ lên vai chị cái danh 'vợ liệt sĩ Khải', còn một người trở nên nổi tiếng khi không ủng hộ quyết định đặc cách cho chị Hà kia được biên chế.
Trong khi dư luận đang chia sẻ với nỗi mất mát của cô giáo Hà - vợ liệt sĩ Khải cũng như chê trách một cô giáo khác cũng tên Hà khi chị không ủng hộ quyết định đặc cách cho chị Hà kia được biên chế, thì lại có ý kiến cho rằng, dư luận đừng đẩy sự việc đi quá xa, đừng xát thêm muối vào lòng ai nữa.

Nội dung chia sẻ của Facebooker Chiến Văn đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng mạng. Dưới đây là tóm tắt nội dung chia sẻ của Facebookers Chiến Văn:

"Một chị là Trần Thị Hà, thạc sỹ, giáo viên dạy hợp đồng trường THPT Chu Văn An. Một chị là Trần Thị Mỹ Hà, tổ trưởng bộ môn Văn, trường THPT Trần Nhân Tông. Cả 2 cô giáo đều đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Chị Hà - dạy hợp đồng vừa được cả nước biết đến vì một ngày xấu trời, số phận đã đột ngột phủ lên vai chị một danh xưng mới, đầy xót xa: Vợ liệt sĩ - góa phụ.
vo-phi-cong-ran-quang-khai.jpg
Cô giáo Trần Thị Hà nhận quyết định được biên chế vào trường Chu Văn An 
Chị Hà - tổ trưởng bộ môn Văn, sau đó vài ngày cũng tự biến mình thành người nổi tiếng bất đắc dĩ khi lên facebook viết những dòng chữ chia sẻ tỏ ý không ủng hộ quyết định của thành phố Hà Nội đặc cách cho chị Hà kia được biên chế vào trường Chu Văn An.

Người vợ liệt sĩ kia, tôi nghĩ sẽ không bao giờ muốn chồng mình hi sinh để được nhận sự đặc cách đó. Một suất biên chế chính thức, tôi nghĩ không phải điều quá lớn lao, làm thay đổi tương lai của thạc sỹ Hà. Thậm chí, trong ngành còn nhiều người có biên chế nhưng chưa chắc trình độ đã bằng chị.

Còn cô giáo - tổ trưởng bộ môn Văn, dù có viết cả ngàn status đi nữa, cũng không làm thay đổi được quyết định đang được số đông dư luận ủng hộ. Cách chị chia sẻ quan điểm cá nhân về sự đặc cách cho một người em cùng ngành đang quấn khăn tang, đó là điều chẳng hay chút nào.

Dù 2 số phận khác nhau, song tôi nghĩ, điều mà 2 chị cùng chung mong muốn, đó là dư luận đừng đẩy sự việc đi quá xa nữa. Vợ liệt sĩ, họ đã quá đau rồi, đừng xát thêm muối vào lòng họ bằng những xì xào, bàn tán không đáng có về sự hi sinh của người chồng. Còn cô giáo - tổ trưởng bộ môn Văn, dù cách nghĩ có lạnh lùng thì dư luận cũng nên mở ra cho chị một lối thoát. Bởi ai chẳng có những lúc bốc đồng, cực đoan trong quan điểm. Chúng ta nên làm sao để họ thức tỉnh và thay đổi. Xã hội đang có quá nhiều nỗi đau rồi, không nên hành hạ nhau thêm nữa.

Nếu muốn ồn ào, có thể bắt chước cách của ông Thanh Thản, vị đại gia bất động sản vừa trao tặng mẹ con chị Hà - vợ liệt sĩ Khải căn chung cư do tập đoàn mình xây dựng. Đó là hành động thiết thực nhất để góp phần xoa dịu nỗi đau cho người vợ liệt sĩ và con em họ. Nếu không có điều kiện để làm như vậy, làm ơn hãy im lặng và thôi phán xét".
vo-phi-cong-tran-quang-khai.jpg
Chia sẻ của cô giáo Trần Thị Mỹ Hà về quyết định trên 
Đồng quan điểm với Facebooker Chiến Văn, một tài khoản khác có tên Hoang Linh cũng chia sẻ: "Tôi tán đồng việc làm của Hà Nội về việc đặc cách cho cô giáo Hà - vợ phi công Khải vào biên chế một trường danh tiếng ở Hà Nội bởi người giáo viên ấy có năng lực và sự phấn đấu, phù hợp với chuẩn chất chung của hội đồng sư phạm nhà trường.
 
Nhưng có việc khác, tôi thấy được đẩy đi quá xa, đó là việc dư luận xem cô giáo Trần Thị Mỹ Hà như “phản động” và đề nghị xử lý thật nặng.

Cô giáo Trần Thị Mỹ Hà phản ứng một điều tử tế để đòi một sự “công bằng thái quá”. Cô có thể nói sai so với tình cảm chung của công chúng nhưng đó là bức xúc thật, lời thật của một con người sống trong môi trường mà biên chế là cái gì đó quá ác liệt, khó khăn.

Cá nhân chỉ nói lên tiếng nói của mình trên mạng mà đã bị vùi dập khủng khiếp như vậy thì có nguy cơ cả xã hội bắt đầu tập nói dối cho vừa lòng nhau.

Qua đây có thể thấy, chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, một lần nữa chứng tỏ năng lực quản trị của mình, yêu cầu không xử lý kỷ luật cô Trần Thị Mỹ Hà khi cô giáo này phê phán đích danh ông trong việc đặc cách cho vợ phi công vừa hy sinh vào biên chế".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm