2 đám cưới giữa chiến trường Điện Biên Phủ ở 2 đầu chiến tuyến

07/05/2018 - 07:11
Giữa chiến trường Điện Biên Phủ đạn bom ác liệt, những điều kỳ diệu vẫn diễn ra. Ở hai đầu chiến tuyến, tại cơ quan sở chỉ huy của ta và địch đã diễn ra những đám cưới có một không hai.

Tại sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng đã diễn ra đám cưới của đồng chí Hoàng Xuân Tùy, Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân và đồng chí Song Ninh, nghệ sĩ đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy mặt trận đã điều động đoàn văn công Tổng cục Chính trị ra mặt trận để phục vụ bộ đội ngay tại chiến hào. Đồng chí Song Ninh là người vừa có giọng hát hay lại vừa là một trong những hoa khôi của đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Còn đồng chí Hoàng Xuân Tùy là Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, vừa chỉ huy xuất bản báo tại mặt trận, vừa làm Trưởng ban tuyên huấn tại Bộ chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Tùy vừa viết những bài báo sắc bén, kịp thời, vừa có tài tổng hợp tình hình và báo cáo thời sự rất hay. Các bài báo do đồng chí Tùy viết ai đọc cũng thích.

Ông bà Hoàng Xuân Tùy - Lê Thị Song Ninh ngày mới cưới.

Hai người yêu nhau đã mấy năm nhưng vì chiến tranh mà nguyện vọng tổ chức lễ thành hôn chưa được thực hiện. Cán bộ, chiến sĩ trong đại bản doanh rất ủng hộ và cặp uyên ương xin phép tổ chức đám cưới ngay tại Mường Phăng. Quên hết cái giá rét của rừng thiêng Tây Bắc khi xuân Giáp Ngọ vừa đến, mối âu lo về trận chiến ác liệt còn chưa chính thức bắt đầu, mỗi người một việc, anh em phân công nhau đi chặt tre nứa về dựng một cái lều nhỏ núp dưới tán cây rừng, bên một bờ suối trong khu Sở chỉ huy chiến dịch.

Giường được làm bằng những khúc cây thẳng tắp, đều đặn, lấy cỏ lót làm đệm. Cơ quan hậu cần cho mượn một cái ô lớn thu được của địch căng lên làm rạp hôn lễ. Đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đứng ra làm chủ hôn, đám cưới diễn ra dưới sự chứng kiến của các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Đó là đám cưới đơn sơ, giản dị nhưng thắm tình đồng đội.

Ông Tùy, bà Ninh sau năm 1954.

Cách đó không xa, tại hầm Đờ Cát, đã diễn ra một đám cưới không lâu sau khi tên tướng bại trận bị bắt. Đó là đấm cưới giữa cô dâu là bà Nguyễn Thị Ngọc Toản, y tá đội điều trị 2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này trở thành Đại tá, bác sỹ sản phụ khoa đầu ngành của nước ta với chú rể là Đại đoàn phó Đại đoàn 308 Cao Văn Khánh, sau này là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bà Ngọc Toản xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, bố là ông Tôn Thất Đàn- một trong 4 vị thượng thư đầu triều Nguyễn, mẹ là bà Phạm Thị Tiên xuất thân từ một gia đình quý tộc nhà ông Phạm Đăng Hưng, có con gái lấy vua Thiệu Trị. Bà gặp ông Cao Văn Khánh lần đầu tiên khi ông đến thăm trường Đại học Y Khoa ở Việt Bắc. Tình yêu giữa hai người chớm nở với nhiều lời ước hẹn.

Cuối năm 1953, khi Bộ tổng tư lệnh điều động Đại đoàn 308 lên Tây Bắc chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi hành quân ông Khánh đã lên Tuyên Quang gặp người yêu. Lúc chia tay, ông bà cùng hẹn đến ngày chiến thắng sẽ làm hôn lễ tại gia đình. Sau đó, bà Ngọc Toản cũng ra mặt trận phục vụ chiến đấu ở đội điều trị 2 Cục Quân y.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bà Ngọc Toản đi bộ từ Tuần Giáo đến Mường Thanh để làm nhiệm vụ phiên dịch cho việc trao trả một nữ tù binh Pháp. Tại đây, bà gặp lại ông Cao Văn Khánh trong niềm xúc động nghẹn ngào.

Ông Cao Văn Khánh - bà Nguyễn Thị Ngọc Toản chụp ngày cưới ngày 22/5/1954 trên chiếc xe tăng đã tham chiến tại Điện Biên Phủ.

Dự định về chiến khu tổ chức hôn lễ khi chiến tranh kết thúc, nhưng đơn vị của đồng chí Cao Văn Khánh lại được lệnh ở lại trao trả tù binh, thu dọn chiến trường. Chính Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trần Lương đã động viên ủng hộ bà Ngọc Toản làm đám cưới ngay. Ông nói nhiệm vụ còn lâu dài, giặc vẫn phải đánh mà hạnh phúc vẫn phải xây dựng, nên không thể chần chừ. Niềm vui được nhân đôi với cả hai khi vừa giải phóng Điện Biên, hạnh phúc lứa đôi được trọn vẹn.

Hôm đó là ngày 22/5/1954, bộ đội trang trí lại hầm Đờ Cát thành phòng cưới. Vải dù được chăng lên, trên có dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Không có gia đình, họ hàng thân thích, chủ hôn chính là cấp chỉ huy tại đơn vị dưới sự chứng kiến của khoảng 40 đến 50 khách là đồng đội của họ.

Bức ảnh ông Khánh, bà Toản chụp năm 1955 tại Hà Nội.

Chú rể được yêu cầu hát bài Bộ đội về làng, cô dâu hát bài Em bé Mường La để mừng chiến thắng. Mọi người cùng hô vang: “Hoan hô đám cưới Điện Biên”. Sau ngày cưới, cô dâu chú rể ngồi lên tháp pháo xe tăng chụp ảnh kỷ niệm. Đám cưới ngay tại trận địa là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời của ông bà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm