pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 sinh viên tái chế khẩu trang y tế thành tấm vách ngăn
Hồ Hoàng Bảo Như (phải) và Đặng Trương Nhân
Kể từ khi có đại dịch Covid-19, khẩu trang y tế trở thành vật bất ly thân để người dân thực hiện quy định 5K trong phòng, chống dịch. Bên cạnh mặt tích cực, khẩu trang y tế lại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nếu vứt bừa bãi và không được xử lý đúng cách. Bởi vì khẩu trang y tế thường dùng một lần rồi bỏ nên trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mỗi ngày có hàng ngàn, hàng triệu chiếc khẩu trang bị thải ra môi trường. Trong khi đó, khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Chúng còn là nơi phát sinh nguồn bệnh vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang.
Hồ Hoàng Bảo Như cho biết: "Việc xử lý khẩu trang y tế đang đặt ra nhiều vấn đề. Nếu dùng phương pháp đốt, chôn lấp sẽ làm gia tăng lượng khí thải nhà kính, gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Để giải quyết các vấn đề trên, nhóm em đã nghiên cứu, lựa chọn tái chế khẩu trang y tế thành tấm vách ngăn nhựa, một sản phẩm mang tính ứng dụng trong cuộc sống. Điều quan trọng của nghiên cứu là giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, giảm các mầm bệnh lây nhiễm ra cộng đồng, biến những chiếc khẩu trang bỏ đi thành sản phẩm mới, là nguyên liệu đầu vào cho các ngành khác, vừa giải quyết bài toán về kinh tế lẫn môi trường".
Sản phẩm của nhóm là tấm nhựa PP (viết tắt của Polypropylen, một loại polymer có độ bền cơ học cao). Hiện sản phẩm mới được sản xuất với quy mô ở phòng thí nghiệm. Nếu phát triển ra thị trường, sản phẩm có thể sử dụng giống như tấm vách ngăn trang trí nội, ngoại thất, giúp phân chia không gian ngôi nhà hoặc văn phòng. Sản phẩm này còn phù hợp với thiết kế của phòng đọc sách hay phòng ngủ. Ngoài ra, sản phẩm tái chế từ khẩu trang y tế còn có thể làm đồ gia dụng, bảng hiệu, kệ, tủ nhỏ, chậu cây, khung ảnh…
Theo Bảo Như và Trương Nhân, với thành phẩm tấm nhựa PP tái chế kích thước 1 m2, dày 0,2 cm, sẽ cần 2,2 kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng, tương đương với 480 - 500 chiếc khẩu trang y tế. Trên thị trường, một tấm vách ngăn bằng nhựa được bán với giá khoảng 200.000 - 500.000 đồng/m2, dày 0,15-0,2 cm. Vấn đề gặp khó hiện nay đối với nhóm là làm sao thu gom khẩu trang đã qua sử dụng một cách hiệu quả.
Phương pháp tái chế khẩu trang y tế thành tấm vách ngăn đang được nhóm áp dụng là phương pháp ép nhiệt. Đây là phương pháp khá đơn giản trong quá trình tạo sản phẩm, chi phí sử dụng trang, thiết bị máy móc không quá cao và thao tác đơn giản, dễ thực hiện. Đối với quy mô phòng thí nghiệm thì phương pháp ép nhiệt là phương pháp phù hợp nhất. Bảo Như cho biết thêm: "Trước khi thực hiện phương pháp ép nhiệt khẩu trang y tế, nhóm em phải thực hiện khâu thu gom và xử lý khẩu trang qua sử dụng một cách cẩn thận. Khẩu trang y tế đã qua sử dụng được mang về sẽ được tẩy rửa và khử khuẩn 15 phút bằng dung dịch cồn và sấy khô 2 giờ trong tủ sấy ở nhiệt độ 60°C để đảm bảo an toàn. Sau đó, khẩu trang y tế được cắt vụn bằng bàn cắt giấy. Cuối cùng là tiến hành tạo sản phẩm bằng phương pháp ép nhiệt. Tụi em rất vui khi tạo ra được sản phẩm này. Hy vọng trong tương lai, việc tái chế khẩu trang y tế sẽ được nhiều người hưởng ứng, cùng góp phần bảo vệ môi trường của chúng ta".
Bên cạnh việc tái chế khẩu trang y tế, một số chuyên gia về môi trường đã hướng dẫn cách hạn chế tác hại của khẩu trang y tế đối với môi trường như sau:
- Đặt thùng rác chỉ dành cho khẩu trang để thu gom và xử lý.
- Xem xét tiêu chuẩn hóa, hướng dẫn và thực hiện nghiêm ngặt việc quản lý chất thải đối với khẩu trang.
- Thay khẩu trang dùng một lần bằng khẩu trang tái sử dụng như khẩu trang bông.
- Xem xét phát triển các loại khẩu trang có thể phân hủy sinh học.