2022: Thiên tai và hiện tượng khí hậu cực đoan khiến thế giới lao đao

Thạch Anh
08/12/2022 - 12:27
Năm 2022 là một trong những năm mà tình hình khí hậu toàn cầu trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Theo Báo cáo Khí hậu tạm thời của Liên Hợp Quốc công bố tháng 10 vừa qua, 2022 sẽ là năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử ghi nhận được.

Theo báo cáo này cảnh báo, “Sự tăng tốc ở mức thảm họa trong tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ giải phóng ‘sự hỗn loạn khí hậu’ trên toàn hành tinh - một dấu hiệu rằng cửa sổ hành động đang khép dần”.

Nhiệt độ toàn cầu trong năm 2022 ở mức cao hơn 1,15 độ C so với trung bình thời tiền công nghiệp. Nền nhiệt cao của năm 2022 còn đáng lo hơn khi nó xảy ra vào năm thứ 2 liên tiếp có hiện tượng La Nina. La Nina vốn có xu hướng khiến nhiệt độ toàn cầu thấp hơn.

Đồng thời, 8 năm qua cũng là 8 năm nóng nhất trong lịch sử ghi nhận.

2022: Một năm buồn thế giới với vô số thiên tai và hiện tượng khí hậu cực đoan, điểm 'không thể cứu vãn' đã rất gần - Ảnh 1.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 vừa qua ở Ai Cập, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo: “Thay đổi đang diễn ra ở tốc độ thảm họa, hủy diệt sinh mạng và sinh kế ở mọi lục địa”.

Dẫn chứng không ở đâu xa. Trong suốt năm 2022, nhân loại đã chứng kiến nhiều biểu hiện của thời tiết cực đoan dẫn tới hậu quả thảm khốc.

Những "cảnh báo đỏ"

Băng tan tồi tệ ở mức kỷ lục

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết mức độ tan băng trên cả đất liền và biển cả toàn cầu tiếp tục tăng tốc trong năm nay. Diện tích biển được bao phủ bởi băng ở Nam Cực đã chạm mức thấp kỷ lục hồi tháng 2/2022, với mức 1 triệu km2 dưới trung bình dài kỳ.

Mức tan băng của Nam Cực tệ đến mức các nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ sông băng Thwaites có diện tích ngang nước Anh bị tan hết. Nếu điều này xảy ra, mực nước biển toàn cầu có thể dâng tới 65cm, nhấn chìm nhiều thành phố ven biển.

Sông băng Thwaites còn có tên là “sông băng Ngày Tận thế” và nếu nó biến mất hoàn toàn, đó sẽ là dấu hiệu cực hạn không thể đảo chiều hay cứu vãn.

Tại Thụy Sĩ, tổng số thể tích sông băng mất đi năm nay là 6% do ít tuyết vào mùa đông, bụi thổi từ sa mạc Sahara và đặc biệt là mùa hè “địa ngục” mà châu Âu phải trải qua.

Tốc độ tan băng cũng được minh họa bằng một con số đáng lo ngại: mực nước biển tăng ở mức kỷ lục. Trong 2 năm vừa rồi, mực nước biển tăng 10mm, chiếm 10% tổng mức nước biển dâng khi có dữ liệu đo đạc bằng vệ tinh từ năm 1993.

"Mùa hè đổ lửa" ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ

Tình trạng cháy rừng, hạn hán, sóng nhiệt trong năm qua được đẩy lên một mức đáng lo mới, biểu hiện rõ nhất tại châu Âu, châu Mỹ và Bắc Phi.

Suốt mùa hè năm 2022, lục địa già “oằn mình” dưới sức nóng khô hạn của mùa hè tồi tệ nhất lịch sử khi nắng nóng, sóng nhiệt và thảm họa cháy rừng, hạn hán diễn ra liên tiếp. Tháng 7 vừa qua là lần đầu tiên trong lịch sử nhiều vùng ở nước Anh chứng kiến mức nhiệt trên 40 độ C.

Theo WMO, sóng nhiệt là hiện tượng thời tiết “nóng bất thường về mặt thống kê kéo dài trong một số ngày đêm” và các nước có định nghĩa riêng tùy theo ảnh hưởng của nó tới dân cư.

Sóng nhiệt năm nay xuất hiện ở mức bất thường và tác động sâu sắc tới đời sống hàng trăm triệu người trên khắp các mặt nông nghiệp, sức khỏe, cung ứng thực phẩm, giá năng lượng, hệ sinh thái, giao thông…

2022: Một năm buồn thế giới với vô số thiên tai và hiện tượng khí hậu cực đoan, điểm 'không thể cứu vãn' đã rất gần - Ảnh 3.

Những dấu hiệu đầu tiên của thời tiết nóng bất thường ở châu Âu xuất hiện vào tháng 5, khi khối khí nóng hơn mức trung bình từ phía tây sa mạc Sahara di chuyển lên phía bắc, đẩy nhiệt độ lên từng đợt ở một số khu vực phía tây nam châu Âu, bao gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, miền nam nước Pháp và một số vùng phía tây Nước Ý.

Ở cấp quốc gia, nhiệt độ tháng 5/2022 lập nhiều kỷ lục mới. Bắt đầu với Pháp, nơi có tháng 5 nóng nhất kể từ khi dữ liệu ghi nhận bắt đầu vào năm 1900. Đó là tháng 5 nóng nhất trong 92 năm được ghi nhận ở Bồ Đào Nha và 58 năm ở Tây Ban Nha.

Nhiều kỷ lục địa phương cũng bị phá vỡ. Thành phố Seville của Tây Ban Nha đạt 41°C, lần đầu tiên trong một tháng 5. Jaén thì trải qua cả ngày nóng nhất trong lịch sử các tháng 5 và nhiệt độ tối thiểu hàng ngày cao nhất từng được ghi nhận vào tháng này ở bán đảo Iberia.

Tình trạng tiếp tục lan rộng ở Tây Âu trong các tháng sau đó, xô đổ nhiều kỷ lục nóng bức. Ngày 19/7/2022 là ngày lịch sử của khí tượng Anh khi lần đầu tiên mức nhiệt trên 40 độ C được ghi nhận tại nước này. 

Sóng nhiệt kinh hoàng tại Tây Âu khiến nhiều chuyên gia khí tượng lo lắng và cảnh báo về “tipping point” - điểm mà tại đó thay đổi khí hậu sẽ không thể vãn hồi. Hơn nữa, đây cũng là lời cảnh báo rằng những thảm họa liên tiếp và dồn dập sẽ có nguy cơ xảy ra thường xuyên và ngày càng khó đối phó.

Nhưng sóng nhiệt chưa là gì so với tình trạng cháy rừng lan rộng khắp châu lục này với sức tàn phá đi vào lịch sử. 8.600km2 diện tích rừng đã bị phá hủy trong năm nay, phá kỷ lục cháy ở 9 quốc gia EU.

Ở Nam Âu, quy mô các khu vực bị cháy là gấp đôi so với năm 2020 và là năm tệ thứ 2 từ năm 1986 xét theo độ lớn các vụ cháy. Tổng số vụ cháy trong năm 2022 thì thấp kỷ lục, nhưng vì diện tích cháy lớn nên đã tạo ra sự ảnh hưởng nặng nề.

Trong số các nước, Tây Ban Nha bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Những vụ cháy rừng trên quy mô rộng lớn và liên tiếp còn dẫn tới một hệ quả khôn lường là lượng khí thải carbon ra môi trường. Theo dữ liệu từ hệ thống quan sát khí thải cháy toàn cầu GFAS, lượng khí thải carbon thải ra tại Pháp và Tây Ban Nha từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay là cao nhất kể từ 2003.

Cháy rừng không phải hiện tượng cá biệt tại châu Âu. Tháng 8 vừa qua, khu vực rừng Amazon chứng kiến nhiều vụ cháy nhất trong thập kỷ qua. Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil ghi nhận 31.513 vụ cháy trong 30 ngày đầu tháng.

Ở Bắc Mỹ, cháy rừng diễn ra phổ biến vào tháng 8 ở khắp các bang miền tây Hoa Kỳ và thậm chí cả Alaska. Chỉ riêng bang này đã ghi nhận1,26 triệu hecta bị cháy tính đến 25/8/2022.

2022: Một năm buồn thế giới với vô số thiên tai và hiện tượng khí hậu cực đoan, điểm 'không thể cứu vãn' đã rất gần - Ảnh 5.

Một hiện tượng cực đoan khác đánh dấu hậu quả thảm khốc của sự nóng lên toàn cầu là hạn hán. Mùa hè vừa qua, những hình ảnh vô số các cổ vật, tàn tích trong các lòng sông lộ ra trơ trọi khiến nhiều người yêu môi trường không khỏi lo lắng.

Trước đó, những bức ảnh của NASA công bố cũng cho thấy tình hình hạn hán năm nay đã diễn ra tệ đến mức nào - khi hàng loạt con sông ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á bắt đầu cạn khô.

Nơi khô hạn nứt nẻ, nơi bão lũ ngập lụt

Đối lập với hạn hán là mưa lớn, ngập lụt tại nhiều vùng ở châu Á, nổi bật nhất là ở Pakistan. Từ giữa tháng 6 đến tháng 10 năm nay, lũ lụt ở khu vực nước này đã khiến hơn 1700 người thiệt mạng, thiệt hại gần 15 tỷ USD.

Nguyên nhân trực tiếp của lũ lụt là mưa lớn hơn bình thường theo mùa và sông băng tan, kết hợp với các đợt nắng nóng nghiêm trọng - đều liên quan tới biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của lũ lụt còn gia tăng do sụt lún liên quan đến nước ngầm, khiến một số vùng chìm xuống nhanh gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Đây là lũ lụt gây chết người nhiều nhất thế giới kể từ trận lũ lụt Nam Á năm 2020 và tệ nhất trong lịch sử Pakistan.

Một số vùng khác tại châu Á cũng chứng kiến lũ lụt lịch sử dù mức độ không nặng bằng. Đêm 8/8/2022, thủ đô Seoul của Hàn Quốc chứng kiến trận mưa lũ lịch sử, lớn nhất trong vòng 80 năm qua.

2022: Một năm buồn thế giới với vô số thiên tai và hiện tượng khí hậu cực đoan, điểm 'không thể cứu vãn' đã rất gần - Ảnh 6.

Theo Korea Times, lượng mưa lên đến hơn 100mm/giờ, có lúc lên tới 141,5mm/giờ, gây ngập nặng ở nhiều vùng thuộc thủ đô Seoul, thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi lân cận.

Chưa kịp “hoàn hồn” sau trận lũ lịch sử càn quét khu vực thủ đô, Hàn Quốc tiếp tục hứng chịu siêu bão Hinnamnor vào rạng sáng 6/9, khiến ít nhất 10 người tử vong, hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng, ngập lụt, sụt lún ở nhiều nơi khắp miền Nam nước này.

Tại Nhật Bản, siêu bão Nanmadol cũng gây tác động to lớn khi được miêu tả là “một trong những cơn bão mạnh nhất” trong lịch sử nước này. Chính quyền địa phương phải ra lệnh sơ tán cho 4 triệu người trên đảo Kyushu vào tháng 9.

Trong khi đó tại Mỹ, vào cuối tháng 9, siêu bão Ian đổ bộ được miêu tả là “một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ đại lục Hoa Kỳ”, theo Reuters. Sau khi quét qua Cuba, siêu bão Ian ập vào bờ tây Florida với sức mạnh cấp 4 trên tổng số 5 cấp của thang đo Saffir-Simpson. Siêu bão khiến ¼ bang này mất điện, giết chết ít nhất 114 người, được New York Times mô tả là “tệ hơn bất kỳ hơn bão nào trong gần 90 năm”.

Tại Philippines, siêu bão Noru đạt cấp 5, ảnh hưởng tới sinh kế của 100.000 người có kinh tế dựa vào nông nghiệp và đánh cá.

Trước những con số đáng lo ngại về mức nhiệt gia tăng và các hình thái thời tiết cực đoan, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về “điểm tới hạn” mà tại đó thiệt hại do con người gây ra là không thể đảo ngược.

2022: Một năm buồn thế giới với vô số thiên tai và hiện tượng khí hậu cực đoan, điểm 'không thể cứu vãn' đã rất gần - Ảnh 7.

Nhà nghiên cứu linh trưởng học Jane Goodall cho biết: “Chúng ta đang tiến gần đến điểm không thể quay lại theo đúng nghĩa đen. Hãy nhìn khắp thế giới xem điều gì đang xảy ra với biến đổi khí hậu. Thật khủng khiếp”.

Tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp tục "phả hơi nóng" vào các phong trào xã hội

Tình hình khí hậu năm nay cũng nóng hơn thông thường nhờ một yếu tố đặc biệt: Các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu tại châu Âu và Úc.

Phong trào biểu tình chống biến đổi khí hậu năm nay có một điểm đặc biệt, thu hút sự chú ý của giới truyền thông theo một cách rất khác bởi tính chất cấp tiến và thậm chí gây tranh cãi của nó. Khác với những kiểu tuần hành hay giơ bảng biểu thông thường, giới biểu tình khí hậu năm nay sử dụng phương pháp tấn công các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Các cuộc biểu tình nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng bắt đầu vào giữa năm ở Vương quốc Anh, do nhóm Just Stop Oil khởi xướng. Họ ném đồ ăn, dán bộ phận cơ thể vào những bức tranh của danh họa nổi tiếng ở Manchester, Glasgow và nhiều phòng trưng bày ở London. 

2022: Một năm buồn thế giới với vô số thiên tai và hiện tượng khí hậu cực đoan, điểm 'không thể cứu vãn' đã rất gần - Ảnh 8.

Phong trào này sau đó lan rộng ra toàn cầu và có thể thấy ở Milan (Ultima Generazione, tháng 8), Melbourne (Extinction Rebellion, tháng 10), The Hague (Just Stop Oil, tháng 10), Potsdam (Letzte Generation, tháng 10) và Madrid (tháng 11).

Hành động thu hút nhiều sự chú ý và chỉ trích nhất đã được thực hiện vào tháng 10 bởi các nhà hoạt động của Just Stop Oil, sau khi họ ném súp cà chua vào tác phẩm Hoa hướng dương của Van Gogh tại Bảo tàng Quốc gia London.

Hành động này được cho là nhằm gây chú ý tới vấn đề khí hậu. Họ nêu ra các biểu ngữ như “Thứ gì quan trọng hơn, nghệ thuật hay cuộc sống?”. Trong khi nó bị lên án bởi những người yêu nghệ thuật toàn cầu, các tổ chức đứng sau cho rằng họ đang đơn giản sử dụng một chiến thuật nhằm tạo xáo trộn xã hội để thúc đẩy thông điệp.

Tương lai sẽ ra sao?

Một trong những yếu tố quan trọng nhất cần phải cân nhắc khi nói đến vấn đề biến đổi khí hậu chính là sức khỏe con người. Theo WHO, trong những thập kỷ tiếp theo, sóng nhiệt và các dạng thời tiết cực đoan sẽ đe dọa sức khỏe và tính mạng cư dân trừ khi các quốc gia thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng thực sự quyết liệt để giải quyết biến đổi khí hậu.

Điều đó bao gồm các giải pháp y tế-xã hội để đối mặt với tình trạng thay đổi nhiệt độ trong tương lai. Hơn nữa, rất cần các biện pháp thiết thực để giảm lượng phát thải carbon từ cả cấp độ cá nhân và cộng đồng, thông qua các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng tới năng lượng sạch.

Bằng những biện pháp thiết thực ngay từ bây giờ, không chỉ sinh kế, sức khỏe của hàng triệu người trong tương lai sẽ được đảm bảo, mà cả hệ sinh thái của chúng ta sẽ bớt chịu tác động từ một trong những mối nguy lớn nhất loài người phải đối mặt.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm