pnvnonline@phunuvietnam.vn
2023 - năm "lao đao" của ngành bảo hiểm
Hình minh hoạ
Dựa trên khảo sát, nghiên cứu mới nhất về công ty Bảo hiểm uy tín, Vietnam Report cho rằng, năm 2023 là năm "lao đao" của ngành bảo hiểm, khi những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Có 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia nhận định việc nhiều thông tin tiêu cực xuất hiện về bảo hiểm nhân thọ là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải năm 2023.
Khảo sát cho thấy, yếu tố xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực về kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chiếm nhiều nhất với 81,8%; kế tiếp là các thách thức khác: người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến nhu cầu mua bảo hiểm sụt giảm (74,7%), cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng (72,7%), người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ về các chính sách bảo hiểm (63,6%).
Qua thống kê các nền tảng mạng xã hội, sau khi các thông tin tiêu cực về kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và các vụ việc tố nhân viên tư vấn sai, thiếu trách nhiệm với khách hàng đã đẩy lượng tin thảo luận về ngành bảo hiểm tăng gấp 15 lần, từ 4.700 lượt thảo luận/ngày trong năm 2022 lên 73.000 lượt thảo luận/ngày vào tháng 4/2023.
Kết quả tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sự kiện trên được đẩy lên cao trào khi những ngày gần đây, sau khi tiến hành thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm. Ngày 30/6, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm bán qua ngân hàng có nhiều sai phạm gây bức xúc dư luận.
Cụ thể, một số hành vi vi phạm điểm hình gồm: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm;...
Từ các vi phạm trên, dẫn đến một thách thức lớn khiến ngành bảo hiểm "lao đao", đó là người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ các chính sách về bảo hiểm.
Kết quả khảo sát nhận thức về sản phẩm bảo hiểm của người tiêu dùng (thực hiện tháng 5-6/2023), có tới 55,8% chưa thực sự hiểu về sản phẩm nhân thọ mà họ đang tham gia. Đây là một con số đáng báo động khi khách hàng không thực sự hiểu về các điều khoản, quyền lợi và nghĩa vụ từ sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến tình trạng khiếu nại, gây ra hiểu nhầm.
Ngoài ra, Vietnam Report cho rằng "chất lượng đại lý và tư vấn viên cũng có vấn đề". Năm 2022, qua kiểm tra, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phát hiện khoảng 3.100 trường hợp đại lý sai phạm, trong đó có lỗi về tuyên truyền quảng cáo sai về sản phẩm dịch vụ bảo hiểm.
Trước tình hình này, một số chuyên gia cho ý kiến, trước khi đặt bút ký hợp đồng, khách hàng cần chịu khó tìm hiểu rõ ràng, kỹ lưỡng về sản phẩm; cẩn trọng, chia sẻ và lắng nghe để giải quyết thắc mắc ngay từ lúc tư vấn.
Có thể nói, trước đây, tình trạng sai phạm có tồn tại nhưng không nhiều và khi phát hiện ra, các doanh nghiệp đều có phương án xử lý kịp thời. Nhưng từ khi các kênh bancassurance phát triển, chất lượng tư vấn mập mờ, không rõ ràng ngày càng gia tăng khiến khách hàng gặp nhiều khó khăn và dần dần mất niềm tin vào ngành bảo hiểm.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận, đây là giai đoạn khó khăn của thị trường. Tâm lý e dè, lo ngại và hoài nghi của dư luận vẫn chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, tạo ra rủi ro, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.
Tuy vậy, ở một góc nhìn tích cực, từ sự việc này, ngành bảo hiểm phải tự nhìn nhận và cải thiện tốt hơn trong quy trình, hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng. Hơn nữa, đây cũng chính là cơ hội để thanh lọc thị trường, chấn chỉnh, hoàn thiện, minh bạch để chứng minh vai trò, từ đó, nâng cao tín nhiệm của ngành trong thời gian tới.