Việc người dân còn phải sử dụng nước ao, nước giếng khoan không chỉ tập trung ở khu vực các huyện phía Tây thành phố mới sáp nhập về Hà Nội mà ngay cả các huyện của Hà Nội cũ như Đông Anh, Sóc Sơn nhiều nơi, người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt, da liễu… (Ảnh minh họa) |
Tại một số địa phương ven sông Nhuệ như Cự Khê (Thanh Oai), Tiền Phong (Thường Tín), Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), Đông Lỗ (Ứng Hòa)… chất lượng nước đều không đạt tiêu chuẩn. Nhiều mẫu nước lấy từ giếng khoan với độ sâu 40-50m vẫn có mùi hôi.
Bước vào mùa khô hạn, nhiều giếng khoan, giếng khơi bị cạn kiệt, nông dân các xã Trung Hòa, Trường Yên (Chương Mỹ), Chàng Sơn (Thạch Thất)… phải mua nước sinh hoạt. (Ảnh minh họa) |
Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, 100% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch nhưng việc thực hiện mục tiêu này còn gặp khó khăn trong điều kiện ngân sách thành phố eo hẹp. Do đó, Hà Nội đang triển khai hàng loạt giải pháp để thu hút nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp, tư nhân.
Thành phố cũng thống nhất giao Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực cấp nước sạch; giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nước sạch Hà Nội triển khai thí điểm và sẽ nhân rộng mô hình cấp nước quy mô hộ, nhóm hộ, thôn… sử dụng công nghệ xử lý nước hiện đại của Cộng hòa Liên bang Đức nhằm phát triển mạng lưới cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, cần giảm nguồn nước thất thoát, thất thu thông qua việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ nguồn nước và hiểu rõ lợi ích sử dụng nước sạch đối với sức khỏe con người.