3 giải pháp khẩn để ‘cứu’ ĐBSCL

17/03/2016 - 20:31
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng rừng ngập mặn, thiết kế hệ thống kênh mương thông minh... là những biện pháp khẩn cấp được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đưa ra nhằm giải cứu tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện tượng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và khó lường, vào mùa khô, xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn hecta lúa đông xuân gây khó khăn cho cuộc sống của hàng triệu người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

100.000ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn


Thay đổi phương thức sản xuất

Tình trạng xâm nhập mặn rất khó ngăn chặn và nó cũng sẽ tiếp tục diễn ra ngày càng ngay gắt hơn. Do vậy, các chuyên gia về nông nghiệp cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thay vì trồng lúa 3 vụ như hiện nay, bà con có thể trồng lúa kết hợp chăn nuôi thủy sản. Thực tế là người dân ở Sóc Trăng đã rất thành công trong việc chuyển đổi trồng lúa 1 vụ và kết hợp nuôi tôm. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với việc trồng lúa 3 vụ/năm. 

Mô hình nuôi tôm càng xanh do các hộ dân sống ở ngoài vùng đê bao ngọt hóa ở ấp Xương Thới III, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, trong điều kiện môi trường nước có độ mặn dưới 5‰ đã thu lại kết quả tốt hơn trồng lúa rất nhiều. Với sự hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi, chuẩn bị ao, con giống tôm càng xanh, mỗi hộ tham gia thực nghiệm có diện tích bình quân 3.000 - 4.000 m2 mặt nước mương vườn dừa, được hỗ trợ con tôm, vôi cải tạo ao nuôi, xử lý nguồn nước, cách phát hiện và điều trị một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi. Kết quả, các hộ nuôi thu hoạch tôm càng xanh đạt mức bình quân 430 kg/ha, hộ cao nhất 837 kg/ha; lợi nhuận bình quân 47,3 triệu đồng/ha/năm. Trong quá trình thực nghiệm, ngành nông nghiệp địa phương còn hỗ trợ các hộ tham gia thành lập Tổ hợp tác để tổ chức sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, làm đầu mối tiếp nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật, con giống.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi cho ĐBSCL


Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ ngày cành nhanh hơn. GS. Võ Tòng Xuâ, chuyên gia nông nghiệp lập luận, một vụ tôm được nuôi trong mùa khô và khi mưa xuống sẽ trồng lúa. Nếu được như vậy, lợi nhuận người dân thu về sẽ gấp 3-4 lần so với trồng lúa 2-3 vụ trong năm. Thế nhưng, hàng chục năm qua, cây lúa đã bám sâu vào suy nghĩ của nhiều nhà quản lý và hạn chế người dân làm giàu nhờ canh tác, nuôi trồng những loại khác theo đúng quy luật tự nhiên của vùng thổ nhưỡng ĐBSCL. 

Trồng rừng ngập mặn là rất quan trọng 

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tiến tới phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chúng ta cần tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng đảm bảo xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn. 

"Trồng rừng kịp thời vụ, phù hợp với diễn biến thời tiết khô hạn. Nâng cao năng lực dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm chủ động ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Tăng cường thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và trồng rừng đầu nguồn. Có như vậy chúng ta mới hy vọng giảm thiểu tối đa thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra".

Trồng rừng ngập mặn là giải pháp rất quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn

Tại Hội nghị với các đối tác, nhà tài trợ Đối phó tình hình hạn, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ và Tây Nguyên do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần nâng cao khả năng chống chịu của người dân để thích ứng và đối mặt với rủi ro thiên tai. Đầu tiên, Việt Nam cần phải có đánh giá liên ngành toàn diện và nhanh chóng về quy mô, mức độ nghiêm trọng của vấn đề để từ đó mở rộng phạm vi và quy mô ứng phó. Xem xét lại các chương trình đầu tư, các ưu tiên cho những vấn đề khẩn cấp, để đáp ứng với yêu cầu ứng phó khẩn cấp.

Ông Leocadio Sebastian, đại diện IRRI (Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế) cũng cho rằng, xâm nhập mặn năm nay tăng do giảm dòng nước từ thượng nguồn là chính chứ không phải nước biển dâng. Do vậy, cần quản lý dòng chảy tốt hơn. Đồng thời cần mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Về thiết kế kỹ thuật, hầu hết đề xuất vẫn đi theo trường phái cổ điển là hiện đại hóa kênh mương. Với tình trạng thiếu nước như hiện tại không giải quyết được. Khi kênh mương mở, người dân đầu nguồn sẽ không có tinh thần tiết kiệm để người cuối nguồn sử dụng. Do đó, giải pháp kỹ thuật nên chuyển sang tưới bằng hệ thống ống kết hợp với cung cấp nước sinh hoạt. Cách này rất tiết kiệm nước vừa đáp ứng được thủy lợi vừa đáp ứng nước sinh hoạt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm