3 học sinh bị ngộ độ do ăn quả hồng trâu

12/04/2016 - 17:00
Trước lúc đến trường học 3 em học sinh ở trường THCS Phình Hồ đã ăn quả hồng trâu khiến các em bị ngộ độc, trong đó có 1 em đã tử vong.

Theo ông Nguyễn Duy Tiến, Hiệu trưởng trường THCS Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, 3 học sinh của trường phải đưa đi cấp cứu sáng sớm ngày 11/04 là do các cháu ăn phải quả rừng. Trước lúc các cháu kêu đau bụng, nhà trường có hỏi các cháu đã ăn quả gì. Các cháu có đưa ra một loại quả rừng, các thày giáo so sánh thấy loại quả này giống như quả hồng trâu. Trên đường đưa đi cấp cứu, cháu Hờ A Thắng đã tử vong. Hiện giờ 2 cháu Giàng A Cường (SN 2004) và Giàng A Ru (SN 2001) đã được các bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa thị xã Nghĩa Lộ cấp cứu kịp thời. Các cháu đã hồi tỉnh và sức khỏe tiến triển tốt. Nhà trường cũng đã cắt cử một cô giáo chăm sóc các cháu tại trường. 

Các em học sinh ở miền núi thường hay hái quả rừng để ăn, trong đó có quả hồng trâu. Trường hợp 3 em học sinh ở Phình Hồ bị ngộ độc sau khi ăn quả chỉ là một trong rất nhiều vụ xảy ra ở các xã miền núi. "Nguyên nhân cuối cùng, nhà trường vẫn đang đợi kết quả nghiên cứu của cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái" ông Tiến cho biết. 

Cây hồng trâu có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các bác sĩ khuyến cáo đây là loại quả có độc, không nên ăn

 

Trung tâm phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y cũng thường xuyên cấp cứu các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải quả hồng trâu. Vụ gần đây nhất, Trung tâm phòng chống nhiễm độc có nghiên cứu 17 người ăn phải quả hồng trâu và bị ngộ độc, trong đó có 03 trường hợp tử vong tại xóm Lũng Rạc, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y, đã đưa ra biện pháp xử trí cấp cứu và điều trị ngộ độc quả hồng trâu như sau:

Tại gia đình: Phải gây nôn càng sớm càng tốt bằng cách ngoáy họng hoặc uống nước muối đặc hoặc uống mùn thớt (cạo mùn thớt cho vào cốc nước và uống). Sau khi gây nôn, cho bệnh nhân uống 01 cốc nước chè đặc (càng đặc càng tốt); chất tannin trong chè sẽ làm băng se niêm mạc ruột, gây tủa với alcaloid làm hạn chế hấp thu độc tố. Tiếp theo phải chuyển nhanh nạn nhân bằng xe máy, ô tô hoặc bằng cáng tới cơ sở y tế gần nhất (không được để nạn nhân đi bộ vì đi bộ sẽ làm tăng hoạt động của tim, phổi dẫn tới nhanh phát sinh phù phổi, trụy tim mạch).

        
Tại tuyến y tế cơ sở (Trạm Y tế xã): Gây nôn (nếu chưa tiến hành ở gia đình). Rửa dạ dày tiến hành càng sớm càng tốt. Cho uống than hoạt với liều 1-2g/kg thể trọng kèm theo 4- 6 gói sorbitol. Nếu không có than hoạt có thể cho uống lòng trắng trứng. Duy trì chức năng sống cho bệnh nhân (trợ tim, trợ hô hấp, chống co giật). Vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để bệnh nhân đi bộ) và hạn chế uống nước.

Quả Hồng trâu (capparis versicolor Griff), họ màn màn (capparaceae). Loài cây này có quả và hạt độc. Tuy nhiên chưa có các nghiên cứu chi tiết về độc tính của chúng. Hiện nay, Trung tâm phòng chống độc – Học viện Quân Y đang phối hợp nghiên cứu, thử nghiệm độc tính trên cùi của quả và nhân hạt cây Hồng trâu trên chuột, thỏ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm