3 lưu ý trong ăn uống cho người bệnh thận

21/02/2018 - 14:14
Thận suy yếu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để cơ thể khoẻ mạnh, người bệnh thận cần chú ý điều hòa, lựa chọn thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho phù hợp.
GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chức năng chính của thận là chuyển hóa, nội tiết và bài tiết. 3 chức năng trên có thể bị rối loạn, tổn thương khi mắc bệnh thận, gây tác động xấu tới tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người bệnh. Khi chức năng của thận đã bị suy giảm, người bệnh cần đặc biệt chú ý tới thay đổi một số thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, đặc là hạn chế lượng natri, kali và nước cho phù hợp với trạng thái phát triển bệnh. Đặc biệt, cần chú ý các chất sau:

Giảm phốt pho, tăng canxi

Khi chức năng thận bị suy giảm, sự bài tiết phốt pho (P) có thay đổi. Do đó, trong khẩu phần ăn với bệnh nhân suy thận, cần giảm lượng P tới 600-900mg/ngày, tránh sử dụng thực phẩm có nhiều P như đậu tương, lòng đỏ trứng, thịt gà, sữa, fomat…
anh-benh-than.jpg
Người mắc bệnh thận cần tăng cường thực phẩm giàu canxi, đạm

Hạn chế các thức ăn trên sẽ làm giảm lượng cân bằng canxi trong khẩu phần ăn, do đó cần phải bổ sung 500-1.500mg/ngày vào giữa các bữa ăn trong ngày, tùy thuộc vào nồng độ canxi trong huyết thanh và sự hấp thụ canxi trong dạ dày, ruột. Rau cải ngọt, rau dền, cá chạch, đậu phụ, đậu đỗ, yến mạch… là nguồn cung cấp canxi tốt.

Mục đích của việc điều hòa lượng canxi và P với bệnh nhân suy thận là giữ nồng độ P và ion canxi hóa ở giới hạn bình thường, đề phòng sự phát triển tăng hormone tuyến cận giáp thứ cấp hoặc giảm nồng độ hormone tuyến cận giáp, khi đã có triệu chứng tăng hormone tuyến cận giáp.
 
Hạn chế magiê và kali

Tăng magiê (Mg) huyết tương lâm sàng đối với bệnh nhân suy thận thường ít gặp. Tuy nhiên, thận là cơ quan bài tiết chính Mg và sự giảm tải hấp thu tại ống sinh niệu trong suy thận đã làm tăng Mg trong huyết tương. Sử dụng khẩu phần ăn hạn chế protein có thể giảm trọng lượng Mg ăn vào hằng ngày khoảng 200mg và lượng Mg hợp lý chỉ nên sử dụng từ 200 đến 250mg/ngày. Do đó, hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều Mg như đậu tương, hạt điều, hạnh nhân, lúa mạch đen, ngô, tôm, cá…

Bình thường, thận là cơ quan bài tiết chủ yếu kali từ 90 đến 95% qua nước tiểu, phần còn lại qua phân. Trong trường hợp suy thận, lượng kali bài tiết qua phân sẽ tăng từ 20 đến 50%. Vì vậy, bệnh nhân suy thận mạn cần hạn chế sử dụng thực phẩm giàu kali như các loại rau quả, cam, chanh, bưởi, quả bơ, đậu quả, sung, vả và chuối…
anh-benh-than1.jpg
Người mắc bệnh thận nên ăn nhạt
Cần ăn nhạt

Bệnh nhân suy thận không thể hấp thu được lượng natri cao trong khẩu phần ăn. Nếu sử dụng lượng natri cao, trong dịch ngoài tế bào sẽ có nồng độ natri cao, gây tăng huyết áp, phù, biến chứng tim và phù phổi. Do đó, sự mất cả nước và natri trong bài tiết nước với bệnh nhân bị suy thận cần được theo dõi và điều hòa đồng bộ khi xây dựng khẩu phần ăn.

Nhìn chung, để đảm bảo người bệnh đủ nước, cần đảm bảo cân bằng nước vào và nước ra. Trong đó, lượng nước vào bao gồm nước uống, nước canh, lượng nước chuyển hóa thức ăn (khoảng 300ml/ngày) và dịch truyền. Lượng nước ra bao gồm: Nước tiểu trong 24h, lượng nước mất theo mồ hôi, hơi thở và phân (khoảng 500ml/ngày).

Theo GS.TS Bùi Minh Đức, sẽ là cân bằng nếu lượng nước vào bằng lượng nước ra. Nếu để lượng nước vào lớn hơn lượng nước ra sẽ gây phù, tăng huyết áp, suy tim. Còn nếu lượng nước vào nhỏ hơn lượng nước ra sẽ gây tình trạng mất nước (da nhăn nheo, hạ huyết áp và choáng). Vì vậy, cần đảm bảo đủ lượng nước, khi thận bình thường cần bổ sung 1,5 - 2 lít nước/ngày. Khi thận suy cần hạn chế nước. Sử dụng khẩu phần ăn hạn chế natri, ăn nhạt…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm