“Những nước như Sri Lanka, Pakistan, Philippines hay Vương quốc Anh đã có phụ nữ nắm giữ quyền lãnh đạo đất nước, trước cả Mỹ. Điều khó hiểu là tại sao nước Mỹ phải mất 227 năm mới có một nữ ứng cử viên Tổng thống”, Farida Jalalzai, một giáo sư tại Đại học bang Oklahoma chuyên nghiên cứu về lãnh đạo nữ, đặt vấn đề.
Câu trả lời đã được các nhà khoa học chính trị tìm ra xuất phát từ tính chất của các hình thức bầu cử, hệ thống chính trị khiến phụ nữ khó giành chiến thắng hơn so với nam giới.
1- Phụ nữ khó trở thành Tổng thống hơn là Thủ tướng
Khảo sát từ năm 1969 đến năm 2009 cho thấy, có 56 phụ nữ từng giữ chức vụ Tổng thống hoặc Thủ tướng của một nước dân chủ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ dễ trở thành Thủ tướng hơn là Tổng thống.
"Tôi đã phân tích khá nhiều trường hợp phụ nữ tranh cử Tổng thống trên thế giới. Một trong những phát hiện đáng chú ý là phụ nữ khó giành chiến thắng trong cuộc đua tranh cử Tổng thống hơn là Thủ tướng”, giáo sư Jalalzai cho biết. Vấn đề ở đây là do hệ thống bầu cử và những định kiến giới tồn tại trong hệ thống bầu cử đó. Trong khi Thủ tướng được xem là người đại diện cho các bên, tạo sự đồng thuận và hợp tác trong chính phủ thì Tổng thống được coi là nhà lãnh đạo đơn độc.
Trong một cuốn sách của mình, tác giả Ezra Klein đã chỉ ra rằng, cử tri kỳ vọng ở Tổng thống những chuẩn mực nam tính như sự dẻo dai, kỹ năng hùng biện, sự quyết đoán hơn là sự hợp tác, tạo sự đồng thuận (thường được đề cao ở nữ giới). Dù vô thức hay có ý thức, cử tri vẫn có xu hướng cho rằng, Tổng thống nên là đàn ông. Điều này giải thích tại sao phụ nữ có thể nắm giữ chức vụ Thủ tướng tại các nền dân chủ tiên tiến như Anh, Đức, Canada nhưng không phải là các quốc gia theo chế độ Tổng thống như Mỹ, Pháp.
Bà đầm thép Margaret Thatcher, nữ Thủ tướng đầu tiên và duy nhất của Vương quốc Anh |
2 – Tỷ lệ nữ trong Quốc hội Mỹ thấp
Tỷ lệ nữ trong cơ quan lập pháp tại Mỹ hiện thấp hơn mức trung bình của thế giới |
Số liệu từ Liên minh Nghị viện Quốc tế cho thấy, tỷ lệ nữ trong cơ quan lập pháp trên thế giới hiện ở mức bình quân là 22,7%. Con số này ở Mỹ chỉ là 19,4%, xếp hạng 97 trên bản đồ thế giới về đại diện nữ trong cơ quan lập pháp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phụ nữ ra tranh cử Tổng thống.
3 – Sức mạnh quân sự của Mỹ
Theo nghiên cứu của giáo sư Jalalzai, phụ nữ ít có khả năng nắm giữ quyền điều hành ở những quốc gia có sức mạnh quân sự lớn, có vũ khí hạt nhân. Từ trước tới nay, Mỹ luôn tự hào về sức mạnh quân sự của mình. Và cử tri nước này thường nghĩ về một Tổng thống mà họ bầu lên sẽ là một “tổng tư lệnh”. Với định kiến giới có sẵn, nhiều người sẽ hình dung vị tổng tư lệnh đó phải là nam.
Bà Lori Robinson trở thành nữ tướng đầu tiên tại Mỹ chỉ huy bộ tư lệnh tác chiến với cương vị là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ và Bộ Chỉ huy phương Bắc |