3 nhóm bệnh mùa xuân của trẻ

07/03/2016 - 10:00
Mùa xuân thời tiết thường có mưa phùn và độ ẩm cao tạo điều kiện cho nấm mốc, vi sinh vật sinh sôi nảy nở nên rất dễ gây bệnh cho trẻ nhỏ.
Các bệnh truyền nhiễm
Một số bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ như bệnh tay chân miệng, bệnh tiêu chảy, bệnh viêm gan A, thủy đậu, sởi, ho gà, bạch hầu… Các bệnh này nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Cần giữ nhà cửa sạch sẽ, tắm rửa cho trẻ thường xuyên bằng nước ấm, ít nhất là 3 lần một tuần. Ra đường nên giữ ấm chân, tay, cổ, nên đeo khẩu trang cho bé để ngăn chặn sự xâm nhập của phấn hoa, bụi bẩn vào tai, mũi, họng. Về chế độ ăn uống, cần ăn nhiều rau xanh như salat, xà lách, dưa chuột, canh ấm từ rau, các loại hoa quả như nho, cam, quýt... Trong khi chế biến thức ăn, lưu ý đến việc cho gừng, hành và một ít tỏi để ngăn ngừa bệnh do virus gây ra.
 Thời tiết mùa xuân rất dễ khiến trẻ bị ốm (ảnh minh họa)
Các bệnh về đường hô hấp
Thời tiết nóng lạnh bất thường của mùa xuân cũng dễ khiến trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm tai mũi họng, viêm phế quản hay hen suyễn…
Phương pháp tốt nhất là giữ ấm cho trẻ nhưng cũng tránh ủ trẻ quá nóng, có thể gây ra mồ hôi, nếu mồ hôi ở lưng thấm ngược lại cơ thể sẽ gây ra viêm phổi. Khi cho trẻ ra ngoài nên đeo khẩu trang. Trong nhà, có thể dùng vỏ bưởi, bồ kết đốt lên để lấy hơi ấm trong phòng hay bổ đôi củ hành tây để góc phòng, tinh dầu từ củ hành tây có thể tiêu diệt các loại virus gây bệnh cảm cúm. Ăn uống khoa học, đặc biệt là bổ sung vitamin C cũng là một cách ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ. Hằng ngày nên cho trẻ uống nước cam, quýt, uống nhiều nước lọc. Nếu trẻ trên một tuổi bị ho, cho trẻ uống nước ấm có thêm một chút mật ong.
Các bệnh về đường tiêu hóa
Vào mùa xuân trẻ cũng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, hội chứng ruột kích thích (IBS), hội chứng nôn ói theo chu kì (CVS)… Để phòng ngừa, cần giữ vệ sinh ăn uống: ăn sạch, uống sạch, dùng nước đã đun sôi. Nếu uống các loại nước khác thì nên dùng loại đã qua tiệt trùng. Nên ăn các loại thức ăn nóng, ấm, bổ sung các loại gia vị làm ấm cơ thể như gừng, tỏi, hạt tiêu...
Bổ sung nhiều chất đạm, thịt, cá và rau củ quả để cung cấp đủ lượng vitamin cho cơ thể. Tập cho trẻ có thói quen ăn uống đúng giờ, nếu trẻ chán ăn, không nên ép trẻ ăn nhiều một lúc mà cho ăn ít nhưng chia làm nhiều lần trong ngày để tránh tình trạng đói hay thiếu chất. Và điều quan trọng, nên tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào đồ ăn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm