pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 tác động tiêu cực khi cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái
Ảnh minh họa
Trong cuộc sống thực, xung đột là một phần rất tự nhiên trong bất cứ mối quan hệ nào. Đôi khi những xung đột này xảy ra trước mặt con cái. Có bao giờ bạn thắc mắc rằng, việc cha mẹ cãi nhau như vậy có làm tổn thương tới một đứa trẻ hay không?
Việc chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau chắc chắn sẽ khiến con cái buồn và căng thẳng. Thế nhưng, không phải tất cả loại xung đột nào cũng đều gây tác động xấu tới trẻ về lâu dài. Việc người lớn cãi nhau gây hại cho trẻ nhỏ hay không phụ thuộc vào tần suất, cường độ, bối cảnh và cả cách giải quyết vấn đề.
Những tác động tiêu cực của việc cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái
1. Gây căng thẳng, làm tăng tính hung hăng ở trẻ
Ngay cả người lớn cũng cảm thấy căng thẳng khi chứng kiến 2 người nào đó cãi nhau. Điều này thậm chí còn tồi tệ hơn đối với trẻ nhỏ. Cha mẹ thường xuyên cãi vã khiến trẻ luôn trong tình trạng chán nản, hormone căng thẳng cortisol sẽ tăng đột biến.
Trong trường hợp các cuộc tranh cãi thỉnh thoảng xảy ra, mức độ căng thẳng của trẻ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi sự căng thẳng này xảy ra quá nhiều, nó sẽ phá vỡ mức cân bằng cortisol, có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe như co rút não, rối loạn giấc ngủ, suy yếu hệ thống miễn dịch.
Ngoài ra, điều này còn liên quan tới việc gia tăng các vấn đề thần kinh như trẻ có những hành vi hung hăng, chống đối, rối loạn tâm thần… Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng sẽ xấu đi.
2. Trẻ có xu hướng bạo lực, phá hoại
Chứng kiến cha mẹ cãi vã, thậm chí đánh nhau, trẻ sẽ hình thành cảm xúc tiêu cực, có xu hướng bạo lực, những hành vi như hung hăng, đe dọa người khác cũng tăng lên.
Trẻ còn có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần khác như lòng tự trọng thấp, trầm cảm, hay tức giận, tự làm hại bản thân.
3. Trẻ đổ lỗi cho bản thân
Nếu các xung đột trong gia đình không được giải quyết tốt sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ vợ chồng và con cái. Một khi cuộc tranh cãi không có lời giải thích hợp lý, hoặc cha mẹ đổ lỗi cho con cái, những tổn thương về tinh thần của trẻ ngày càng lớn hơn.
Trong một nghiên cứu cho thấy, có một số trẻ em đặc biệt là các bé trai có xu hướng tự trách mình là nguyên nhân khiến cha mẹ xảy ra cãi vã.
Làm thế nào để giảm tác động tiêu cực của việc cãi vã đến trẻ?
Cha mẹ cãi nhau là nguồn gốc của mọi căng thẳng trong gia đình và các hành vi tiêu cực ở trẻ em. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc cãi vã lên con cái, cha mẹ cần chú ý một vài điều dưới đây.
- Tránh chiến tranh lạnh
Cha mẹ không nhất thiết phải né tránh mọi bất đồng trước mặt con cái. Trên thực tế, xung đột vợ chồng với nhau có thể mang lại một số lợi ích nhất định nếu điều đó mang tính xây dựng.
Nếu sự xung đột của cha mẹ xảy ra dưới dạng chiến tranh lạnh, nó khiến cho con cái cảm thấy khó chịu và buồn phiền.
- Giữ sự tôn trọng đối phương
Không phải mọi cuộc tranh cãi của cha mẹ đều xấu miễn 2 bên vẫn giữ sự tôn trọng lẫn nhau.
Giả sử 2 đứa trẻ đánh nhau, bạn muốn chúng giải quyết như thế nào. Sau đó, hãy làm chính xác điều này vào lần sau khi bạn tranh cãi nảy lửa với đối tác của mình.
Trẻ em học hỏi từ các hành vi của người lớn. Sự tranh cãi một cách gay gắt, bạo lực, chế nhạo, sỉ nhục sẽ tạo nên hành vi hung hăng ở con cái. Điều này vô tình khiến trẻ hiểu rằng bạo lực là cách giải quyết xung đột của người lớn.
Do đó, việc tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình sẽ dạy cho trẻ các kỹ năng giải quyết xung đột một cách đúng đắn.
- Hạn chế những chủ đề gây bất đồng
Không phải tất cả các chủ đề tranh luận đều khiến trẻ khó chịu như nhau.
Theo một nghiên cứu, những bất đồng về tài chính, kinh tế, quản lý thời gian không ảnh hưởng đến cảm xúc của đứa trẻ, nhưng những bất đồng về việc nuôi dạy trẻ thì có.
Cha mẹ nên hạn chế các loại xung đột trước mặt con cái, nếu có bất đồng ý kiến, 2 bên cần trao đổi với nhau trong phòng kín để trẻ không nghe thấy.