30/4 Ngày thống nhất - Cái nhìn công bằng về chiến tranh

30/04/2016 - 20:34
'30/4 Ngày thống nhất' không được quay từ năm tháng lịch sử mà đó là những thước phim tư liệu được thực hiện sau ngày giải phóng 40 năm. Thời gian đủ để xoá nhoà mọi vết thương và những người trong cuộc có cái nhìn công bằng hơn với chiến tranh.

“30/4 Ngày thống nhất” của điện ảnh Quân đội và Tổng cục chính trị (Bộ Quốc phòng) được thực hiện trong 2 năm với nhiều gian truân. Việc thực hiện một bộ phim sau 40 năm khiến đạo diễn NSND Lê Thi có cái nhìn khách quan hơn với chiến tranh nhưng cũng là cái khó của phim khi phải đưa những gì, không nên đưa gì vào phim khi tư liệu về ngày 30/4 lịch sử đã quá nhiều. 

Đạo diễn Lê Thi từng chia sẻ: Lịch sử đi qua 40 năm rồi, những nhân chứng mà chúng tôi muốn chọn làm nhận vật, người đã qua đời, người thì không còn đủ minh mẫn để kể chính xác từng chi tiết trong quá khứ. Điều này khiến quá trình làm phim gặp khó. Ông và êkip mất gần 10 tháng chuẩn bị, tìm kiếm, quay phim, phỏng vấn nhân vật, trích dẫn tư liệu và dựng phim.

Một trong những ảnh tư liệu cũ được sử dụng trong bộ phim

Bộ phim sử dụng tới 50% tư liệu cũ nên Lê Thi cũng phải xem một lượng phim tài liệu khổng lồ để lựa chọn trích dẫn. Nhưng điều thuận lợi là, Lê Thi đã từng làm về chiến tranh Việt Nam trong 40 năm nên cũng phần nào nắm được tư liệu, phim gốc ở đâu. 

Tuy là một bộ phim nói về ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975) nhưng đạo diễn lại muốn khắc hoạ ngày đất nước non sông liền một mối, dân tộc hoà hợp, thống nhất chứ không phải để tôn vinh ai thắng-ai thua. Do đó, khán giả sẽ không thấy nhiều cảnh chiến đấu, bom rơi, đạn nổ mà là một cái nhìn toàn diện sau 40 năm đất nước thống nhất. Vì thế, thay vì đặt một cái tên nặng tính tự hào thì Lê Thi chỉ để tên giản dị là “30/4 Ngày thống nhất”. Tuy giản dị nhưng cũng đủ khẳng định tinh thần của cả bộ phim. 

Đạo diễn NSND Lê Thi

Bộ phim được chia làm 2 tập với 60 phút. Tập 1: Dân tộc Việt Nam vượt qua gian khó và tập 2 Đất nước thống nhất. Bộ phim mở ra một TP.HCM hoàn toàn đổi mới. Những cầu Thị Nghè, kênh Nhiêu Lộc từng là tụ điểm tệ nạn xã hội giờ khang trang và mọc lên những toà nhà cao tầng, khu vui chơi sầm uất. 

Ở “30/4 Ngày thống nhất”, khán giả cũng được gặp lại những nhân chứng lịch sử một thời và nghe họ nói về mùa xuân lịch sử. Đó là: Trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Thệ, ông Hà Văn Lâu – nhân chứng của Hội nghị Geneve, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung, đại tá, anh hùng lực lượng vĩ trang Nguyễn Thành Trung – người lái máy bay ném bom vào Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975...

“30/4 Ngày thống nhất” khác những bộ phim tư liệu khác ở chỗ, đạo diễn không nhìn một chiều, nghe một tai. Ông mang đến cho người xem câu chuyện của những người ở bên kia chiến tuyến như: cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Đô trưởng Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh... 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và tấm bản đồ khẳng định chủ quyền biển đảo

Không dừng lại ở đó, Lê Thi còn khéo léo đưa nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu – người sở hữu 2.000 tấm bản đồ cổ, trong đó có 200 tấm về Hoàng Sa – Trường Sa như một sự khẳng định rõ nhất chủ quyền biển đảo. 

Chiến tranh đã đi qua, mọi đau thương cũng đã lùi xa, chỉ khát vọng hoà bình, sức mạnh chính nghĩa là còn mãi. Và “30/4 Ngày thống nhất” đã góp phần làm nổi bật điều đó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm